..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::..
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::..


 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  
vu_vantien (513)
.:.Admin.:. (190)
khanhthietbi (190)
snes9x (56)
JiA (56)
amanda (53)
mr.taxi (47)
NyL (46)
513 Số bài - 42%
190 Số bài - 15%
190 Số bài - 15%
56 Số bài - 5%
56 Số bài - 5%
53 Số bài - 4%
47 Số bài - 4%
46 Số bài - 4%
42 Số bài - 3%
37 Số bài - 3%

 

 Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN)

Go down 
Tác giảThông điệp
snes9x
Thành viên nhóm tin tức
Thành viên nhóm tin tức
snes9x


Tổng số bài gửi : 56
Điểm số : 10253
Ngày tham gia : 17/08/2011

Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN) Empty
Bài gửiTiêu đề: Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN)   Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN) Empty19/11/2011, 8:39 pm

Trong 30 năm qua, Vietsovpetro đã thành công và đạt được một khối lượng rất lớn trong công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.Ngày 15/7/2011, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (nay là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp định thành lập. Trong 30 năm qua, Vietsovpetro đã thành công và đạt được một khối lượng rất lớn trong công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Đặc biệt, công tác tìm kiếm, thăm dò đã phát hiện 3 mỏ dầu có trữ lượng công nghiệp, gồm mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng và mỏ Đại Hùng, có ý nghĩa quyết định mở ra một giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, góp phần đưa nước ta trở thành nước khai thác và xuất khẩu dầu đứng thứ ba ở Đông Nam Á. Một hệ thống công nghệ liên hoàn để duy trì khai thác dầu, khí bao gồm 14 giàn khai thác cố định, 17 giàn nhẹ, 2 giàn công nghệ trung tâm, 2 giàn nén khí, 2 giàn bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, 4 trạm rót dầu trên biển và 520km đường ống ngầm nội bộ.
Tính đến nay, Vietsovpetro đã khai thác trên 193 triệu tấn dầu thô, chiếm tỉ trọng 76% sản lượng khai thác toàn ngành. Tổng doanh thu bán dầu thô đạt 54,3 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận của phía Việt Nam gần 34,4 tỉ USD, lợi nhuận phía Nga đạt 8,8 tỉ USD. Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã cung cấp vào bờ không thu tiền trên 23 tỉ m3 khí đồng hành (tương đương trên 4 tỉ USD) cho phía tham gia Việt Nam… Từ năm 2008, việc phát hiện các vỉa dầu khí mới trên các lô 09-1 và nhanh chóng đưa vào khai thác đã giúp Vietsovpetro ngăn chặn được sự suy giảm sản lượng khai thác trong nhiều năm sau giai đoạn khai thác đỉnh, giữ vừng được sản lượng ở mức trên 6 triệu tấn/năm.

Mở cửa kho báu cứu ngành
Ngay sau ngày Tổng cục Dầu khí thành lập (1975), một đoàn cán bộ khoa học do các ông: Lê Văn Cự, Hồ Đắc Hoài, Ngô Thường San, Nguyễn Ngọc Sớm, Nguyễn Giao, Lê Quang Trung được cử vào miền Nam để thu thập, nghiên cứu những tài liệu về dầu khí, đặc biệt là tài liệu cấu tạo địa chất do các công ty tư bản để lại. Sau khi phân tích, tổng hợp, đoàn đã soạn thảo một báo cáo chi tiết kết quả nghiên cứu cấu tạo địa chất tại thềm lục địa phía nam gửi về Tổng cục Dầu khí. Trong báo cáo khẳng định: “Những chỗ nào có dấu hiệu của tầng móng nhô cao thì chỗ đó không có triển vọng cho dầu”.
Nhận xét khoa học này hoàn toàn phù hợp với đánh giá địa chất của các công ty dầu khí nước ngoài thời kỳ 1978-1980 đã khoan thăm dò tại thềm lục địa phía nam, Công ty Agip của Italia, Bow Valley của Canada, Deminix của Tây Đức và các công ty của Pháp, Na Uy… căn cứ vào kết quả nghiên cứu địa chất của vùng mỏ này và theo thông lệ quốc tế, tất cả những tầng đá móng không có khả năng cho dầu, hoặc có dầu cũng chỉ là những vỉa 7-8m không đủ yếu tố trữ lượng để tổ chức khai thác. Chính vì vậy các công ty tư bản chỉ tập trung tìm dầu ở tầng trầm tích, khi chạm vào tầng đá móng 3-5m là họ dừng lại kết thúc mũi khoan thăm dò.

Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN) DSC_0006ds
TS Trần Lê Đông (ngoài cùng bên trái) gặp gỡ trao đổi với các nhà khoa học Quốc tế tại Hội nghị KHCN ngành Dầu khí 2011

Ngày 19/6/1981, Liên doanh Dầu khí Việt – Xô được thành lập. Sau một thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, ngày 21/12/1983 khởi công khoan giếng thăm dò số 1 bằng tàu khoan Mikhain Mirchin tại vùng mỏ Bạch Hổ. Khi khoan đã phát hiện một tập sét dày phủ trên tầng đá móng. Ban Lãnh đạo Vietsovpetro cho rằng, tập sét này có khả năng chắn dầu và quyết định khoan sâu vào tầng đá móng 115m để nghiên cứu cấu trúc, đánh giá tầng móng. Hiện tượng lạ xuất hiện, trong quá trình khoan bị mất dung dịch và biểu hiện dầu khí, theo kinh nghiệm thăm dò thì đây là dấu hiệu có dầu, nhưng khi thử vỉa mới đến tầng trầm tích Mioxen; ngày 24/5/1984 đã cho một tin vui lịch sử, phát hiện có dầu ở mức độ trữ lượng công nghiệp cho phép khai thác và giếng khoan số 1 đã cho dòng dầu thương phẩm đầu tiên ngày 26/6/1986. Sự kiện này xuất hiện đã lấn át sự chú ý về hiện tượng mất dung dịch ở tầng đá móng.
Sau đó XNLD Vietsovpetro vẫn tiến hành khoan thăm dò thêm một số giếng nữa, ở vòm phía bắc mỏ Bạch Hổ nhưng kết quả không được như mong muốn. Lúc này vỉa dầu ở tầng trầm tích Mioxen của giếng số 1 đã giảm sản lượng, ngày một cạn dần, đẩy XNLD Vietsovpetro vào một tình thế hết sức khó khăn có nguy cơ phải thu nhỏ mô hình, hoặc phải chuyển đi thăm dò nơi khác như tình trạng các công ty tư bản vào thăm dò ở đây đã từng lần lượt rút lui. Dầu khí với công việc thăm dò là thế, ở đâu và bao giờ cũng phải chấp nhận một sự thật phũ phàng mà thuật ngữ của nghề này gọi là sự rủi ro. Sự rủi ro ấy có thể phải chôn xuống biển hàng triệu đôla mà không thấy sủi lên một bọt tăm hy vọng.
Đứng trước vận mệnh của xí nghiệp đang ngàn cân treo sợi tóc, Ban Lãnh đạo XNLD Vietsovpetro lúc đó cùng đội ngũ cán bộ địa chất trong Viện Khoa học, Thiết kế của xí nghiệp đã tiến hành xem xét, đánh giá lại tầng móng của vùng mỏ này trên cơ sở tồn tại tầng sét dày có khả năng chắn dầu phủ trên tầng đá móng và đặc biệt là hiện tượng mất dung dịch khi khoan vào tầng móng của giếng số 1. Bước đột phá vào tầng đá móng ngõ hầu phá vỡ những lý thuyết kinh điển của thế giới đã đóng băng trong giáo trình địa chất, theo kiểu “được ăn cả ngã về không” bằng một quyết định thử nghiệm ở mũi khoan số 6. Khi mũi khoan xoáy sâu vào tầng đá móng 23m thì được lệnh ngừng lại thử vỉa.
Như một trò ú tim thế kỷ mang tầm cỡ quốc gia, chỉ còn một lần hy vọng cuối cùng, XNLD Vietsovpetro nín thở, hay nói đúng hơn tất cả những người quan tâm đến dầu khí của hai nước Việt Nam và Liên Xô đều nín thở. Tồn tại hay không tồn tại một xí nghiệp liên doanh dầu khí giữa hai nước Việt – Xô, niềm hy vọng cháy lòng của một dân tộc nghèo khổ vừa trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, tất cả dồn đọng lại chờ đợi ở giây phút này đây. Và ngay lúc đó tin nóng hổi được phát ra từ bộ phận thử vỉa: Có dầu! Trữ lượng cực lớn! Như gặp được thuốc hồi sinh, thế là XNLD Vietsovpetro đã trải qua được cơn bĩ cực, bây giờ họ mới gặp tuần thái lai.
Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn cấu tạo địa chất của tầng móng và tạo cơ sở khoa học đánh giá cho cả vùng mỏ, Ban Lãnh đạo XNLD Vietsovpetro quyết định quay lại giếng số 1 để kiểm tra bằng những phương pháp thử vỉa và đã khẳng định chắc chắn có tồn tại vỉa dầu tầng móng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Tầng móng có độ sâu từ 3.000-5.000m, nhiệt độ từ 140-160oC, trữ lượng dầu rất lớn, tầng chứa dày trên 1.000m, chất lượng dầu rất tốt, không có tầng nước đáy. Tưởng chừng như đã tắt hy vọng, qua đánh giá này, thế cờ đã lật ngược lại, mũi khoan số 1 lập tức được lắp đặt thành giếng khai thác, ngày 6/9/1988 đã chính thức cho dòng dầu công nghiệp đầu tiên từ tầng móng của mỏ Bạch Hổ, với lưu lượng trên 300 tấn/ngày đêm.
Việc XNLD Vietsovpetro phát hiện ra tầng chứa dầu trong móng đá granit trước Đệ Tam ở vùng mỏ Bạch Hổ có trữ lượng lớn ở Đông Nam Á, đã đưa ra một cách nhìn mới mẻ và khả quan, xác định một phương hướng mới trong chiến lược thăm dò địa chất dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung. Đây là đóng góp có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất to lớn cho ngành Dầu khí Việt Nam và thế giới. Tập thể cán bộ khoa học địa chất ở Vietsovpetro lần đầu tiên đã phát hiện ra một cấu trúc lạ của địa tầng vùng mỏ Bạch Hổ, dầu ở đây không đi từ tầng già đến tầng trẻ mà có sự nghịch đảo từ tầng trẻ đến tầng già và có vùng chứa kín dày trên 1.000m trong tầng đá móng granit. Phát hiện này đã làm đảo lộn nhiều công trình khoa học địa chất trước đó. Từ đây mở ra một tương lai rực rỡ cho ngành Dầu khí, tạo động lực thúc đẩy cho sự đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, đã có nhiều công ty dầu khí nước ngoài theo chân Vietsovpetro đã phát hiện ra những vỉa dầu có trữ lượng đáng kể trong tầng đá móng trước Đệ Tam ở thềm lục địa Việt Nam như: JVPC, Petronas, Carigaly, Cửu Long JOC… Hiện nay họ đang khai thác rất hiệu quả.

Tạo ra công nghệ thu hồi dầu ở vùng mỏ có đặc điểm địa chất trái thông lệ
Từ sự kiện tìm ra được vỉa dầu có trữ lượng lớn trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, buộc Vietsovpetro phải chủ động hoạch định chiến lược phát triển tổng thể, từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ đến việc quy hoạch đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, nhằm mục đích tập trung tối đa cho khai thác, đồng thời triển khai khẩn trương kế hoạch thu hồi dầu để đạt được hệ số cao nhất. Việc phát hiện ra vỉa dầu trong tầng móng đã khó thì việc phải tìm ra giải pháp khai thác nó với hệ số thu hồi dầu lớn nhất, để tận dụng triệt để tài nguyên lòng đất lại là công việc khó khăn hơn nhiều. Qua thực tế các giếng đang khai thác ở tầng móng cho thấy, sử dụng năng lượng tự nhiên của vỉa chỉ đạt được hệ số thu hồi dầu từ 15-18%.
Bài toán mới lại một lần nữa làm đau đầu các nhà nghiên cứu ở Vietsovpetro, bởi vì: Trên thế giới phần lớn chỉ khai thác dầu ở tầng trầm tích, còn khai thác dầu ở tầng đá móng thì chưa có lời giải sẵn. Với cấu tạo địa chất phức tạp của các vỉa dầu có tầng chứa nứt nẻ trong tầng móng chưa có một công trình khoa học nào được đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp thu hồi dầu một cách có hiệu quả. Giai đoạn 1992-1993, vấn đề này được đặt ra vô cùng cấp bách, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế thuộc XNLD Vietsovpetro đã mầy mò nghiên cứu, tìm ra nhiều hướng đi khác nhau. Trực tiếp điều hành công việc này là Viện trưởng – Tiến sĩ Aresep E.G, Phó viện trưởng thứ nhất – Tiến sĩ Trần Lê Đông và Viện sĩ Vakitop cùng tập thể các nhà khoa học ở đây.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc XNLD Vietsovpetro Ngô Thường San, Phòng Thí nghiệm của Viện được trang bị thêm máy móc, thiết bị và phần mềm chuyên dụng để nghiên cứu cấu tạo của vỉa dầu trong tầng móng. Sau một thời gian nghiên cứu, nhiều phương án thu hồi dầu được đề xuất trước Hội đồng Khoa học, cuối cùng Ban Lãnh đạo XNLD Vietsovpetro đã chọn giải pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa. Trong thời gian này, nhiều công ty dầu khí nước ngoài và cả chuyên gia dầu khí của ngân hàng thế giới cũng lần lượt vào XNLD Vietsovpetro nghiên cứu thực trạng để tìm giải pháp thu hồi dầu. Khi nghe lãnh đạo Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế trình bày phương án đã chọn của mình, họ khuyên: “Các ông không bao giờ được dùng phương pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa, bởi vì trong tầng đá móng của các ông có rất nhiều khe nứt nẻ, nếu dùng phương pháp này lập tức các giếng khai thác khác sẽ bị ngập nước”.
Trong buổi tranh luận sôi nổi hôm ấy, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phía Việt Nam hỏi rằng: “Giả sử không được bơm ép nước, theo các ông nên dùng phương pháp gì?”, trả lời: “Chúng tôi cũng không biết!”. Thế là XNLD Vietsovpetro phải “đơn phương độc mã” trên đường tìm kiếm giải pháp, trông cậy hoàn toàn vào đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của mình để vận động chất xám nội lực. Phòng Thí nghiệm ở Viện Khoa học và Thiết kế của xí nghiệp được đầu tư hệ thống phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất của Pháp. Những vỉa đá nứt nẻ chứa dầu được mô phỏng tại đây. Mục tiêu nghiên cứu duy nhất được xác định. Nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau phải vào cuộc, nhiều thành tựu khoa học tiên tiến được ứng dụng, đặc biệt chuyên ngành thủy động lực học phải nghiên cứu kỹ sự giao thoa giữa các giếng với nhau để kết luận có sự liên hệ thủy động lực hay không?
Sau một thời gian nghiên cứu, thí nghiệm Viện Khoa học và Thiết kế đã cho ra một kết luận chắc chắn: Dùng phương pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa ở tầng móng vùng mỏ Bạch Hổ hoàn toàn có thể thực hiện được, trên cơ sở phải tuân thủ triệt để ba nguyên tắc sau đây. Một là, bơm đúng chỗ phần dưới tầng chứa dầu. Càng sâu càng tốt, vì tầng chứa dầu ở đây không có nước đáy cho nên phải tạo ra tầng nước đáy để đẩy dầu lên; Hai là, bơm đúng lúc. Khi bắt đầu khai thác là phải bơm ngay để duy trì áp suất vỉa từ đầu. Bởi vì, nếu để áp suất vỉa xuống thấp có thể các vết nứt nẻ sẽ khép lại, khi đã khép lại thì không thể mở ra được nữa, nước ở vùng đáy khi bơm vào cũng không thể đẩy dầu có hiệu quả. Đây là đặc trưng khác hẳn với những vỉa dầu ở tầng trầm tích; Ba là, bơm đúng khối lượng. Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng, phải tính toán sao cho dòng nước chỉ được đi xuống đáy mà không thể tràn vào kẽ nứt để gây ngập các giếng khác. Nói thì đơn giản vậy, nhưng nó là bài toán cực kỳ nan giải thách đố các nhà khoa học. Nhưng bằng mọi nỗ lực và lòng tự trọng, cuối cùng họ đã tìm ra được lời giải.

Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN) Tran-Le-Dong-1ds
Trần Lê Đông

Năm sinh: 1949
Quê quán: Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh
Nơi ở hiện nay: 81/22, Thủy Vân, thành phố Vũng Tàu
Nơi công tác: XNLD Vietsovpetro
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ địa chất Dầu khí
Trình độ chính trị: Cao cấp
Từng tham gia các chức vụ:
- Phân viện phó thuộc Viện Dầu khí Việt Nam
- Phó giám đốc Xí nghiệp Khai thác Dầu khí – XNLD Vietsovpetro
- Viện phó thứ nhất, Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển
- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển
- Phó tổng giám đốc phụ trách địa chất XNLD
- Nguyên Tổng giám đốc XNLD Vietsovpetro
Khen thưởng:
- Giải thưởng Khoa học mang tên Giupskin (Nga)
- Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhất

TSKH Trần Lê Đông – Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro người đã có nhiều đóng góp lớn cho ngành Dầu khí nói riêng và cho đất nước nói chung.
Trong một buổi làm việc với cán bộ khoa học XNLD Vietsovpetro, đoàn chuyên gia của Viện Nghiên cứu Dầu mỏ nổi tiếng của Pháp, tuy đã xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhưng họ cũng không ủng hộ phương án thu hồi dầu bằng phương pháp bơm ép nước của XNLD Vietsovpetro. Các cán bộ khoa học XNLD Vietsovpetro mời họ đi thăm phòng thí nghiệm để trình bày các kết quả nghiên cứu và phải trả lời họ rất nhiều câu hỏi mang tính phản biện. Lý lẽ khoa học buộc họ phải nhận thức lại rồi chính họ khẳng định: “Đối với tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, không còn cách thu hồi dầu nào tốt hơn, các ông ứng dụng ngay phương pháp này nhất định sẽ cho ra một hiệu quả bất ngờ”.
Cuối năm 1993, kết quả thí nghiệm bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa trong tầng móng của Viện Khoa học và Thiết kế XNLD Vietsovpetro đã được ứng dụng tại vùng mỏ Bạch Hổ. Nhờ phương pháp này, hệ số thu hồi dầu từ 15-18% được nâng lên 35-38%, rồi 40,3%, theo kết quả mô hình hóa năm 2003. Như vậy, ngay khi ứng dụng nó đã cho hiệu quả kinh tế rất cao, mang tính đột biến rõ rệt. Được biết, nếu việc điều chỉnh quá trình khai thác một cách hợp lý, kịp thời thì hệ số thu hồi dầu còn cao hơn nữa.
Ngoài ba nguyên tắc như đã nói, gần đây Vietsovpetro còn áp dụng một nguyên tắc nữa để tận thu dòng dầu ở mức tối đa, đó là: áp suất bơm phải hợp lý trên cơ sở thông số cụ thể của từng giếng. Cho đến nay, Vietsovpetro đã bơm xuống tầng móng gần 182 triệu m3 nước biển đã xử lý kỹ, giai đoạn này mỗi ngày phải bơm xuống khoảng 42 nghìn m3.

Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN) DSC_0039ds
Anh hùng Lao động, Tiến sĩ khoa học Trần Lê Đông (người thứ 3 từ phải sang) và các nhà khoa học quốc tế tại Hội nghị KHCN ngành Dầu khí 2011

Hãy làm phép tính so sánh để thấy rõ vai trò quan trọng của một công trình khoa học mang ý nghĩa kinh tế cao của nó: Trong gần 156 triệu tấn dầu thô XNLD Vietsovpetro đã khai thác, có trên 137 triệu tấn được lấy lên từ tầng đá móng ở vùng mỏ Bạch Hổ, trong đó trên 50% sản lượng dầu từ tầng móng được khai thác nhờ áp dụng phương pháp bơm ép nước. Như vậy, tính đến hết tháng 6/2006, riêng áp dụng phương pháp này đã thu hồi được 68 triệu tấn dầu thô. Tính bình quân giá dầu Bạch Hổ từ năm 1986 đến 2005 là 187,2USD/tấn, thì hiệu quả của công trình khoa học nói trên đã mang lại lợi ích kinh tế là 12,7 tỉ USD, trừ chi phí nghiên cứu và đầu tư thiết bị kỹ thuật để thực hiện, lãi ròng còn lại đã thu về khoảng 10 tỉ USD. Hiện nay nhiều công ty dầu khí trong các liên doanh ở Việt Nam có mỏ dầu trong tầng móng, đã áp dụng phương pháp này để thu hồi dầu trong các mỏ như: JVPS ở mỏ Rạng Đông, J0C Cửu Long ở mỏ Sư Tử Đen một cách có hiệu quả.
Thực ra, phương pháp này đã được nhiều nước khai thác dầu mỏ trên thế giới ứng dụng, điều khác nhau ở đây là, họ chỉ thực hiện ở các vùng mỏ trong tầng trầm tích. Với những đặc điểm địa chất rất phức tạp, trong khi đó lại chưa hề có lý thuyết hay kinh nghiệm thực tế dẫn đường, thế nhưng bằng trí tuệ của mình, đội ngũ những người làm khoa học ở Vietsovpetro đã tìm ra được giải pháp tối ưu cho việc thu hồi dầu bằng phương pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa ở tầng đá móng. Giải pháp này được coi là một phát minh khoa học phục vụ đắc lực cho ngành Dầu khí Việt Nam và đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại trong quy trình công nghệ khai thác dầu mỏ trên thế giới.

Từ Cách mạng Tháng Mười Nga đến nghĩa tình và hiệu quả
Sẽ còn nhiều cái để nói, nhiều cái để bàn về những ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga với đất nước ta. Trong muôn vàn cái mênh mông vô biên mà học ở trường nào ta cũng gặp, chỉ xin được nói về một điều rất cụ thể, đó là một đơn vị liên doanh giữa hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô (bây giờ Liên bang Nga kế thừa), hiện nay đang hoạt động, hoạt động ổn định và phát triển mạnh mẽ. Trong nhiều công trình trọng điểm của sự hợp tác giữa hai nhà nước, Vietsovpetro là biểu hiện tập trung nhất, mang đầy đủ đặc trưng hữu nghị của những năm cùng nhau xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và hiện nay đang phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước ở Việt Nam.
Có lẽ tất cả những thành công của mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội… đều phải thông qua cái gốc của sự đào tạo. Trong những năm đầu thập niên 60 Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo và tái đào tạo hàng vạn lượt người, từ công nhân kỹ thuật của các ngành nghề khác nhau, cho tới những bậc đại học và trên đại học, thuộc cả hai lĩnh vực quân sự và kinh tế. Nhiều vị đứng đầu của Đảng và Nhà nước ta đã được đào tạo từ các trường đại học của Liên Xô. Đặc biệt trong ngành Dầu khí, từ những người đang giữ những cương vị trọng trách cho tới đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật ở các đơn vị, hầu hết đều được đào tạo từ cái nôi của đất nước Xôviết mà ra. Suy cho cùng, đó là sự tất yếu của thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga mà chúng ta đã và đang thừa hưởng. Chỉ tính riêng trong XNLD Vietsovpetro ở thời điểm cuối tháng 6/2006, số người được đào tạo ở Liên xô đã có: Công nhân kỹ thuật đang trực tiếp sản xuất là 292 người, cán bộ tốt nghiệp đại học 372 người và 29 người có trình độ trên đại học.

Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN) Khu-v-c-c-ng-VietsovpetroChi-Tamds
Khu vực cảng Vietsovpetro

Đây là những hạt nhân, là linh hồn, là nội lực của một đơn vị liên doanh lớn, họ đang sát cánh cùng những người Nga (người Nga ở XNLD Vietsovpetro được hiểu rộng hơn, gồm cả một số người thuộc các dân tộc trong Liên bang Xôviết cũ, họ là những chuyên gia giỏi nên vẫn được giữ lại sau khi nước Nga trở thành đối tác kế thừa) ngày đêm tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Tổng giám đốc đầu tiên của liên doanh này là ông Mamedov Đ.G, ông đã về nước sau nhiệm kỳ thứ nhất của Liên doanh. Thời tiền nhiệm của ông còn đang trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò, đây là giai đoạn sóng to gió cả và cam go nhất của XNLD Vietsovpetro. Bây giờ nhìn lại người ta có thể ngậm ngùi pha chút tự hào mà gọi những ngày ấy là cái “thuở hàn vi” được lắm!
Xem lại bảng thống kê quá trình xây dựng và phát triển của Vietsovpetro, ta thấy những con số khô khan cũng nói được nhiều điều đáng để ta trân trọng. Những ngày đầu còn trong giai đoạn “mò kim đáy bể”, người Nga ở đây chiếm tới 80% tổng số của liên doanh. Ngày 6/9/1988, bắt đầu áp dụng công nghệ mới để khai thác dầu thô từ tầng móng ở mỏ Bạch Hổ, nhờ vậy đã tạo tiền đề đưa sản lượng khai thác của những năm tiếp theo tăng vọt cho đến hôm nay. Chính trong thời điểm của năm 1988, số người Nga làm việc tại đây đang ở vào biên độ cực đại với 1.691 người, họ đã cống hiến rất vô tư bằng sức lực và trí tuệ của mình cho công nghiệp Dầu khí Việt Nam, mà kết quả như ta đã thấy. Cũng xin phép được nói thêm điều này, ngày ấy đồng lương của XNLD Vietsovpetro còn khiêm tốn lắm, mọi người làm việc chủ yếu dựa trên tinh thần Quốc tế Cộng sản cao cả mà chế độ Xã hội chủ nghĩa đã trang bị cho họ.
Hiện nay người Việt Nam ở Vietsovpetro đã thay thế người Nga trong hầu hết công việc chính, kể cả quản lý, điều hành và trực tiếp sản xuất. Số người Nga làm việc ở đây chỉ còn 613 người. Tuy nhiên, trong số họ vẫn có nhiều người đảm nhận những phần việc quan trọng. Một tấm gương điển hình cho tình hữu nghị rất cao cả ở đây mà nhiều người đã biết đó là ông Oseredko I.S. Những kỷ niệm đẹp đẽ về cuộc đời ông với Việt Nam vẫn còn đang được lưu truyền. Là kỹ sư đường ống bể chứa, ông đã làm việc ở XNLD Vietsovpetro với chức danh kỹ sư trưởng, phụ trách thiết kế tuyến đường ống dẫn khí đốt từ mỏ Bạch Hổ vào đất liền. Ông sang Việt Nam từ tháng 12/1967 cùng đoàn chuyên gia của Viện công nghệ đường ống phương Nam, thuộc Bộ Công nghiệp Dầu khí Liên Xô để giúp Bộ Vật tư khảo sát, thiết kế và thi công tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ cảng Bến Phao ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) về kho Nhân Vực (Hà Tây).
Thời gian này, không quân Mỹ đánh phá miền Bắc rất dữ dội, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho các chiến trường miền Nam, xăng dầu là loại hàng đặc biệt phục vụ vận tải, Mỹ coi đây là những mục tiêu cần phải tận diệt. Chỉ tính từ năm 1966 đến 1968, các kho xăng dầu của Nhà nước ở Bãi Cháy, Thượng Lý và Bến Thủy đã bị đánh đi đánh lại nhiều lần. Đặc biệt kho H150 của Cục Xăng dầu Quân đội, trong ba năm ấy đã bị đánh liên tiếp 169 trận, với 2.420 quả bom phá, bom sát thương, 1.545 quả đạn tên lửa và rocket, chưa kể đạn pháo của tàu chiến địch từ ngoài biển bắn vào. Trước yêu cầu bức xúc đòi hỏi xăng dầu phục vụ chiến trường, Chính phủ đã giao cho Bộ Vật tư kéo tuyến ống này, để tiếp nhận xăng dầu từ cảng Bến Phao ở Bãi Cháy vào kho Hải Dương rồi về kho Nhân Vực. Tuyến gồm hai đường ống 150 đi song song vượt ngang dưới lòng sông Hồng, sông Thái Bình và 7 con sông nhỏ khác để về kho. Ông đã lăn lộn cùng nhân dân Việt Nam chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, bằng cách đưa nhiên liệu, một loại hàng chiến lược tiếp cận những nơi địch đánh phá ác liệt, để cung cấp cho những đoàn xe tiếp viện hàng ra tiền tuyến. Ông đã vào khảo sát và làm việc ở vùng đất thép Vĩnh Linh bên bờ sông Bến Hải.
Kỷ niệm khó quên nhất của ông đối với Việt Nam là ông đã chứng kiến quân và dân bờ Bắc Bến Hải bắn rơi chiếc máy bay thứ 101 của Mỹ đến oanh tạc vùng này. Năm 1969, ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Hữu nghị. Ông tâm sự: “Tôi có dịp ở Việt Nam trong những năm đánh Mỹ và được chứng kiến những cô gái miền Bắc đi cấy lúa nước giữa những ngày giá lạnh, vai đeo súng và quần xắn cao quá gối. Tôi hiểu hết ý nghĩa của việc làm này, nhưng rồi tôi vẫn bị bất ngờ, những bất ngờ liên tiếp ở chính những người phụ nữ Việt Nam bình dị mà ngày nào tôi cũng có dịp gặp gỡ họ. Khi đang cặm cụi cấy lúa, thấy tiếng kẻng báo động có máy bay Mỹ đến bắn phá, họ linh hoạt hẳn lên, chạy đến chiếm lĩnh những gò đất cao, tôi thấy có người trèo lên cả ngọn cây để bắn, họ nhất định không chịu ẩn nấp. Nhưng rồi, có đêm xem văn nghệ ở những địa phương này, tôi lại thấy chính họ lên sân khấu hát dân ca, lúc đó họ hoàn toàn là một con người khác.
Còn bây giờ, trong lúc toàn Đảng toàn dân Việt Nam đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, cùng làm việc ở đây tôi lại gặp những phụ nữ Việt Nam như bao nhiêu người trước đây tôi đã gặp. Họ rất đẹp và dịu dàng, làm việc hăng say, hiệu suất lao động của họ không thua kém gì nam giới. Tôi nhận thấy ở người phụ nữ Việt Nam nhiều phẩm chất rất tuyệt vời. Họ vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ và lại lao động cực kỳ giỏi. Tôi đã đi nhiều nước tôi biết, không phải phụ nữ dân tộc nào cũng có những đức tính quý báu như thế. Còn điều này nữa, thật may mắn và hạnh phúc cho tôi, cùng làm việc trong XNLD Vietsovpetro tôi lại được gần ông Cao Xuân Mộc, người đồng chí, đồng nghiệp và đồng sự của tôi. Trong suốt những năm khảo sát, thiết kế và thi công tuyến đường ống dẫn xăng dầu ở miền Bắc, hai người đã cùng nhau làm việc dưới sự oanh kích ác liệt của không quân Mỹ. Từ ngày ấy đến hôm nay, chúng tôi vẫn coi nhau như anh em ruột thịt. Qua những điều đã gặp, tôi nhận thấy các bạn Việt Nam rất kiên cường, đôn hậu và biết quý trọng tình nghĩa”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam, gần đây ông đã về nghỉ hưu ở quê nhà nhưng ông vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với đất nước hình chữ S mà ông yêu như yêu tổ quốc của mình, cụ thể là với những người đã làm việc cùng ông ở XNLD Vietsovpetro.
TSKH Trần Lê Đông – Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro người đã có nhiều đóng góp lớn cho ngành Dầu khí nói riêng và cho đất nước nói chung. Với cương vị người lãnh đạo cao nhất của XNLD Vietsovpetro xứng đáng với danh hiêu cao quý: Anh hùng Lao động.
Không chỉ là người có những quyết định táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông còn là người hết lòng vì tập thể, đã có đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng khối đoàn kết, tạo không khí hòa hợp, dân chủ trong tập thể lao động Việt – Nga thuộc XNLD; thắt chặt truyền thống hữu nghị gắn bó lâu dài giữa hai nước Việt – Nga. Ông tâm sự: “Tôi đã có 4 sự kiện lớn diễn ra trong năm 2008 như: công bố 95 bài báo khoa học ở các tạp chí trong và ngoài nước; bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học và được Liên bang Nga phong học vị Tiến sĩ khoa học; vinh dự hơn nữa là được Đảng, Chính phủ đánh giá cao thành tích đạt được trong thời gian qua và phong tặng “Anh hùng Lao động”; niềm vui về mái ấm gia đình khi nghỉ hưu, về những đứa con thành đạt và trở thành ông nội”. Con trai lớn của ông Trần Lê Phương, nối nghiệp bố, học giỏi, đã trở thành tiến sĩ làm việc tại Vietsovpetro.
Với gương mặt đăm chiêu và mái tóc đã bạc, Tiến sĩ Trần Lê Đông vẫn trăn trở nhiều điều, về những dự định khoa học, những dự án muốn thực hiện, về những miền quê còn nghèo khó, những con người chân lấm tay bùn quanh năm vất vả; những đứa trẻ sinh ra không được may mắn đang vật lộn với sự sống, những đứa trẻ không được cắp sách tới trường… Và ông đã kể cho tôi nghe về dự định của mình và các cộng sự về ngôi trường dạy lý thuyết cho trẻ em khuyết tật. Mong ước đó sắp trở thành hiện thực, khi mà sau tết Kỷ Sửu này, trung tâm phục hồi chức năng cho người lao động sẽ được khánh thành tại Hà Tĩnh – một vùng quê nghèo, luôn phải đối mặt với thiên tai, bão lũ. Đó chỉ là một trong hàng trăm địa chỉ, món quà mà ông và tập thể lao động Vietsovpetro đã, đang và sẽ dành tặng cho nhiều vùng quê đầy gian khó khắp trong nam ngoài bắc, với những con người không lùi bước trước khó khăn.
Phạm Văn Đoan
Về Đầu Trang Go down
 
Gốc rễ thành công (kỉ niệm 50 năm ngành dầu khí VN)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí: Tưng bừng kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập
» Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam qua ảnh
» Harvard phát triển thành công rô bốt thân mềm
» Danh mục tiêu chuẩn ngành công nghệ khoan
» Phát triển thành công kim loại nặng như... không khí

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::.. :: TIN TỨC :: Thế giới-
Chuyển đến 
Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất