Đã qua rồi cái thời mà máy tính bàn chỉ "lết" được vài ứng dụng xử lý văn bản. Máy bàn ngày nay đã trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Tuy vậy, những "vọc sĩ" ép xung vẫn chưa hề thỏa mãn đam mê "đôn dên" chip xử lý để có được hiệu năng tăng cường mà không hề tốn thêm tí tiền nào. Một chip đa nhân thời nay có thể mạnh hơn nhiều lần so với vài CPU đời trước gộp lại, đó là tốc độ đã bị nhà sản xuất khóa xung nhịp chứ chưa phải là tốc độ chạy… nhiệt tình. Để nâng cấp những chip này thì đường nào cũng phải tốn khá... "củi lửa".
Thế thì tại sao ta không ép xung những chip đang có mà lại phải tốn thêm nhiều "củi"? Về cơ bản, kỹ thuật ép xung cũng không khác mấy so với lúc ban đầu. Nguyên tắc đó là chỉnh đồng hồ xung nhịp của CPU lên nhanh một chút và làm chủ được nhiệt độ, như vậy là bạn đã thành công!
Thật sự là kiến trúc CPU khóa đi 1 phần hiệu năng của nó, để đảm bảo CPU ở trên mức an toàn. Tin vui cho tất cả là một số CPU Intel đời mới hoàn toàn có thể ép chạy tới 5GHz, mà cũng không cần phải giải nhiệt quá công phu.
Tốc độ xung nhịp của CPU được tính toán bởi tốc độ gốc của đồng hồ xung nhịp trên bo mạch chủ nhân với hệ số. Trên những bo mạch đời mới, đồng hồ xung nhịp có tốc độ mặc định 133 MHz, trên những dòng cũ hơn thì là 100 MHz và 166 MHz. Nên nhớ rằng, tốc độ của CPU sẽ luôn phụ thuộc vào đồng hồ trên bo mạch này. Chứ không phải CPU… muốn làm gì thì làm!
Nếu bạn sở hữu những dòng chip cao cấp Extreme Edition, ví dụ một trong những dòng K hoặc những dòng CPU mở khóa xung nhịp của Intel thì chỉ cần chỉnh hệ số là xong. Ví dụ: Một chip Core i7 980X chạy ở tốc độ 3.33 GHz (133 MHz x 25 lần) có thể ép xung tới 4GHz bằng cách tăng hệ số lên 30 lần. Nếu không xài những dòng cao cấp này, thì vẫn có một ít tính năng tùy chỉnh trong BIOS trên một số dòng Core i7 và i5.
Base clock Nếu không tăng được hệ số, ta vẫn có thể tăng base clock, và những dòng bo mạch tốt sẽ cho nhiều tùy chỉnh hơn.
Cảnh báo: Tăng base clock sẽ ảnh hưởng đến bus của những thiết bị khác trong máy tính, bao gồm cả bus PCI-e sử dụng cho card đồ họa. Vì vậy cũng phải chú ý giải nhiệt cho GPU, đồng thời điều chỉnh trong BIOS cho GPU chạy độc lập ở tốc độ mặc định.
Một yếu tố khác trong ép xung là điện thế CPU bởi vì tăng tốc độ CPU cần thiết cũng phải tăng điện thế cấp nguồn để CPU hoạt động ổn định. Tất nhiên, đồng nghĩa với tăng điện thế là nhiệt độ tăng.
Lựa chọn phần cứng Bạn có nghĩ đến chuyện ráp một bộ máy chỉ để ép xung? Trong thử nghiệm của TechRadar, các "vọc sĩ" sử dụng MSI P55-GD65 để chạy với CPU Intel. Bo mạch này thực sự rất… lì, và có nhiều tùy chỉnh so với cái giá khoảng 3.350.000 đ. Nếu bạn không thực sự tin lắm vào bản lĩnh ép xung của mình thì vẫn có tùy chọn điều chỉnh tự động an toàn giữ cho hệ thống ổn định.
TechRadar đã chọn Intel Core i7 870 - Quad Core để chỉ ra cách "khai thác" Intel hiệu quả nhất. Chip này giá cũng vừa phải, bo mạch socket 1156 hiện nay cũng khá rẻ, ta có thể tách riêng dễ dàng giữa điều chỉnh bộ nhớ và CPU. Để đạt độ ổn định, cần phải cân bằng giữa base clock, hệ số và điện thế cấp nguồn CPU và sử dụng giao diện Quickpath Interconnect. Ép xung thì không đoán trước được điều gì sẽ xảy ra! Mỗi chip mỗi khác, base clock cao với hệ số thấp sẽ làm việc tốt hơn base clock thấp và hệ số cao.
Ép xung AMD Hiệu năng của CPU AMD thì có thể chưa bằng Intel, nhưng về tỉ lệ hiệu năng/giá thành (p/p) thì ăn đứt hàng Intel và còn khuyến mãi thêm sự linh hoạt nhờ vào tính năng ép xung high-end dòng Black Edition có thể chơi rất ngọt.
Với giá bán tầm 2.300.000đ thì dòng CPU quad-core Phenom II X4 955 của AMD không bị khóa xung nhịp là một trong những lựa chọn tốt nhất. Chúng ta sẽ thử ngay sau đây để biết AMD "chịu chơi" tới cỡ nào và tìm ra quy trình chung cho các CPU AMD.
Bên cạnh đó cần phải có bộ tản nhiệt và bo mạch lì đòn. TechRadar dùng tản nhiệt Titan Fenrir EVO, là một hình mẫu của thiết bị tản nhiệt dùng quạt. Ta dùng bo mạch Asus Crosshair IV Formula làm bệ phóng vững chắc cho nó. Một bo mạch chủ hướng đến ép xung sẽ là lựa chọn đúng đắn.
Cái thời bo mạch chủ lúc nhúc jumper đã qua rồi. Nay thì điều chỉnh BIOS là kỹ thuật chính, nhưng BIOS thì cũng dần lỗi thời. Những bo mạch hỗ trợ tiện ích trên Windows như dòng Crosshair của Asus thật sự linh hoạt và tiện lợi.
Bắt đầu ép xung Bước quan trọng đầu tiên là giảm tốc độ bus của bộ nhớ xuống mức thấp nhất, lý tưởng là 400MHz với latency cơ bản 8-8-8-8-24. Động thái này giúp loại bớt các lỗi do RAM. Bước kế đến là chỉnh base clock từ từ. Mỗi lần chỉ 10MHz thôi đấy nhé, chậm mà chắc.
Sử dụng Phenom II 955 3.2 GHz cho tốc độ ép xung ban đầu là 3.5 GHz, với FSB tốc độ 219 GHz. Ở tốc độ này CPU chạy còn ngon, nên ta sẽ "ép" thêm tí nữa. Có lúc nhóm thử nghiệm đã đạt đến 3,728MHz, FSB ở mức 233MHz nhưng thật xui khi trình benchmark Cinebench X264 bị rớt giữa chừng trong khi Windows vẫn chạy trơn tru.
Nhóm giảm FSB xuống một chút xuống mức 228MHz và để CPU chạy ở tốc độ 3.648MHz. Kết quả CPU chạy rất ổn.
Dĩ nhiên vì dùng Black Edition có hệ số mở (unlocked), cho phép tăng tốc CPU mà không làm thay đổi bus hệ thống so với bus mặc định. Nhóm lại ép CPU lên 3,700MHz, FSB 200MHz và hệ số nhân là 18.5x đồng thời tăng điện thế dần dần từ điện thế gốc là 1.350v cho đến khi thấy hệ thống chạy ổn định.
Sau đó, nhóm lại từ từ giảm tốc độ CPU thông qua điều chỉnh FSB ép hệ thống lại tăng tốc. Cuối cùng, nhóm đã đẩy tốc độ lên cực độ ở 3,904MHz , mức điện thế lõi 1.56V, FSB 205MHz, hệ số nhân 19x và nhiệt độ lõi ở mức 60.5°C.
Ở tốc độ này, hệ thống chạy "run rẩy" quá nên nhóm đã giảm xuống một chút. Kết quả tốt nhất của nhóm là tốc độ CPU 3,838MHz, hệ số nhân 19x và FSB 202MHz.
Ép xung từng bước 1. Dùng linh kiện chất lượng Một bo mạch và RAM từ khá tới "ngon" là nền tảng việc ép xung dễ dàng. Cho dù chưa ép rành thì nhờ vào 2 yếu tố này việc ép xung cũng sẽ nhiều cơ may thành công hơn. Chưa có súng trong tay thì đừng nên đi săn! Vì thế, thỉnh thoảng bạn phải xem lại cấu hình máy đã đủ đế ép chưa hay còn phải nâng cấp rồi mới dám... chơi?
2. Giữ nhiệt độ mát mẻ
Một bộ tản nhiệt trâu bò sẽ chạy êm hơn tản nhiệt đi kèm CPU. Loại tản nhiệt cứng cáp dùng ống tản nhiệt đồng (heatpiped) và quạt 12cm sẽ mát hơn loại tản nhiệt khối thông thường. Có thể nhiều người giỏi hơn sẽ sử dụng quạt kèm CPU để ép xung, riêng nhóm của TechRadar chắc không làm được việc này !
3. Nhớ bôi keo tản nhiệt Nhớ bôi keo tản nhiệt để đảm bảo hiệu quả làm mát tốt nhất. Cách bôi tốt nhất đó là: Đầu tiên nên trét một chút ít, rồi bôi xung quanh heatsink, sau đó loại bỏ và lau sạch phần thừa.
4. Bạn nên nghĩ tới tản nhiệt nước Nếu ép xung lâu dài, nên sử dụng loại tản nhiệt nước như ECO ALC của CoolIT. Tản nhiệt này đã chứa sẵn dung dịch và chạy rất êm, dễ xài và rất nhiều loại bảo hành, bảo đảm để… trấn an người dùng.
5. Chạy thử vài benchmark
So sánh kết quả cũng rất quan trọng để biết được trước và sau ép xung hệ thống chạy như thế nào. Nhiều người xài luôn Far Cry 2 và Crysis như lửa thử vàng, hoặc cũng có thể dùng trình benchmark chuyên biệt Cinebench x264.
6. Sử dụng những công cụ chính thức Dùng Desktop Control Center của Intel và AMD Overdrive để truy cập đầy đủ các tinh năng của bộ vi xử lý của từng hãng. Những phần mềm này làm việc tốt với những chip hí-ènd, vấn đề còn lại chỉ là BIOS.
Những vấn đề liên quan đến BIOS 1. Phải làm chủ được BIOS Cách ưa dùng nhất để ép xung là dùng BIOS. Những bo mạch ép xung có nhiều mục đặc biệt dành riêng để điều chỉnh bộ nhớ, bộ vi xử lý và bus hệ thống, cũng như công cụ điều chỉnh tự động, những tùy chỉnh cài đặt trước và phục hồi.
2. Phải biết rồi mới thử Chạy benchmark để biết những thông số chính của máy tính. Sau khi đã có đủ thông tin thì vào BIOS (chắc hẳn ai cũng biết truy cập BIOS bằng nút gì rồi nhỉ?). MSI P550-GD6 chứa những tùy chỉnh này trong lựa chọn ở trình đơn Cell > Adjust CPU base frequency > Adjust CPU ratio và CPU voltage.
3. Tăng hệ số nhân của CPU.
CPU Core i7 870 có thể điều chỉnh hệ số từ 22 tới 24. Khi đã hoàn thành các thiết đặt nhớ lưu lại và thoát khỏi BIOS rồi boot lại máy xem thử đã có thể vào Windows với tốc độ cao hơn hay chưa? Nếu được thì cứ tiếp tục khởi động lại và vào BIOS chỉnh thêm.
4. Kích base clock của CPU Tăng tốc độ base clock theo từng quãng 10 MHz, lưu lại thiết đặt và khởi động vào Windows để thử độ ổn định. Nếu tất cả đều ổn thì trở lại BIOS chỉnh tăng thêm chút xíu cho tới lúc hết boot vào Windows được thì hãy tăng điện thế thêm 0.1V và xem thử mọi thứ đã cải thiện chưa.
5. Chỉnh điện thế Nếu hệ thống vẫn chưa chạy êm, thì có thể tăng điện thế lên 1 chút hoặc giảm hệ số nhân và tăng base clock của CPU nhanh hơn. Phải thử tới thử lui cho đến khi cân bằng được tất cả các thiết đặt. Chips Intel cũng mạnh rồi, nhưng bạn cũng phải chú ý đến điện thế đấy. Nếu không thì…tiền mất tật mang.
6. Thử phần mềm ép xung của bên thứ 3 khác. Thường thì các nhà sản xuất cung cấp những tiện ích ép xung cho sản phẩm của chính họ. Asus cũng đưa ra chế độ ép tự động nhưng hơi bị phiền hà do chính các cảnh báo. Trong thử nghiệm trên đây với CPU AMD hệ thống chỉ lên được tốc độ CPU cao nhất là 3.4GHz, ở điện thế 1.4V.
Ép xung là 1 công việc yêu cầu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cũng như "lá gan" cũng phải lớn kha khá. Tất nhiên, không ai biết tương lai thế nào và... có làm thì có chịu !
Theo TechRadar