..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::..
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::..


 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  
vu_vantien (513)
.:.Admin.:. (190)
khanhthietbi (190)
snes9x (56)
JiA (56)
amanda (53)
mr.taxi (47)
NyL (46)
513 Số bài - 42%
190 Số bài - 15%
190 Số bài - 15%
56 Số bài - 5%
56 Số bài - 5%
53 Số bài - 4%
47 Số bài - 4%
46 Số bài - 4%
42 Số bài - 3%
37 Số bài - 3%

 

 Hiểm họa từ hàng Tàu

Go down 
Tác giảThông điệp
JiA
Supporter
Supporter
JiA


Tổng số bài gửi : 56
Điểm số : 10259
Ngày tham gia : 24/02/2011

Hiểm họa từ hàng Tàu Empty
Bài gửiTiêu đề: Hiểm họa từ hàng Tàu   Hiểm họa từ hàng Tàu Empty3/8/2011, 2:10 am

(Petrotimes) - Thật không "nói điêu" chút nào khi khẳng định rằng, những kẻ bất lương người Trung Quốc đã làm giàu bằng "xương máu" của thế giới. Ở cái thời mà sự chia sẻ mang tính ý thức trách nhiệm đã trở thành yếu tố cơ bản của thế giới toàn cầu thì họ vẫn bất chấp, thản nhiên gạt bỏ và chà đạp mọi giá trị tử tế trên con đường phát triển của họ.

Quyển “Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action của Peter Navarro” (Giáo sư Kinh thương Đại học California-Irvine) và Greg Autry thuộc Trường Kinh thương Paul Merage (Giảng viên Đại học California-Irvine) do Nhà Xuất bản Pearson phát hành tháng 5/2011 đã cho thấy rõ hơn bức tranh phát triển phi nhân tính của Trung Quốc. Dưới đây là phần lược thuật(*)…

Hiểm họa từ hàng Tàu 2kim50511-477x356
Đến cả trứng cũng có "trứng đểu"

Đầu độc thế giới?

Trung Quốc hiện sản xuất 70% penicillin trên thế giới, 50% aspirin và 33% tylenol. Các hãng dược Trung Quốc cũng thống trị thị trường thế giới về thuốc kháng sinh, enzyme, amino acid gốc và vitamin (chiếm 90% thị trường thế giới về vitamin C và gần như thống trị thị trường toàn cầu về vitamin A, B12 và E). Chẳng có gì đáng càm ràm nếu những viên thuốc Trung Quốc chẳng phải là thuốc độc. Chúng không chỉ gây ra vài ca tử vong đơn lẻ mà còn thực hiện những cuộc tàn sát hàng loạt.

Lấy ví dụ heparin – chất chống đông dùng trong nhiều trường hợp y học, từ phẫu thuật tim mạch, truyền máu, liệu pháp tĩnh mạch đến thẩm tách thận. Không như loại heparin bình thường được làm từ màng nhầy ruột lợn, chất chống đông sản xuất theo “kiểu Tàu” là một thứ chất quái đản có cấu trúc hóa học tương tự heparin đến mức nó gần như không thể bị phát hiện. Vấn đề ở chỗ, loại hóa chất chế tạo heparin dỏm có giá rẻ hơn heparin thật đến 100 lần – 9USD/pound (453gr) so với 900USD!

Và như đã biết, chẳng có gì tai hại hơn là dùng dược phẩm dỏm. Không chỉ làm tụt huyết áp, gây khó thở, nôn mửa và tiêu chảy cấp, heparin dỏm còn khiến chết người. Leroy Hubley tại Toledo (Ohio) hiểu rõ điều này hơn cả. Sau khi mất người vợ bởi dùng heparin dỏm, chỉ một tháng sau Leroy mất tiếp đứa con trai, cũng từ thủ phạm heparin. Đến nay, “heparin Made in China” đã giết hàng trăm người Mỹ và làm hàng ngàn người khác nhập viện. Heparin dỏm còn được thấy tung hoàng tại 11 nước, từ Nhật, Ấn Độ, Đức đến Canada. Thuốc dỏm Trung Quốc không chỉ giết người trên thế giới mà còn giết cả người nước họ. Điều đó cho thấy những nguyên tắc cơ bản của đạo Khổng đã phải nhường chỗ cho cơn mải mê điên loạn làm giàu.

Một trong những ví dụ nữa là trường hợp những lọ sirô giết người xuyên quốc gia. Bản tin của Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đăng trên website ngày 4/5/2007 đã khuyến cáo các nhà sản xuất dược phẩm, nhà cung cấp, nhà đóng gói, chuyên gia y tế… phải kiểm tra và chắc chắn rằng, glycerin (chất làm ngọt phổ biến dùng trong sản phẩm dược) không có thành phần diethylene glycol (DEG) – loại hóa chất kịch độc dùng trong công nghiệp chống đông lạnh và dung môi.

Trước khi xuất hiện bản tin FDA, Tân Hoa Xã cho biết 100 người đã chết do dùng sirô trị ho chứa DEG tại Panama… Đầu tiên là thận bị hỏng; kế đến là hệ thần kinh trung ương bị đánh gục. Toàn thân nạn nhân bị tê liệt, khiến khó thở và cuối cùng là tử vong. Hầu hết nạn nhân là trẻ em và đều chết do dùng một loại sirô trị ho. Từ năm 1990 đến 1998, nhiều trường hợp tương tự liên quan đến DEG cũng hiện diện tại Argentina, Bangladesh, India và Nigeria với hàng trăm cái chết.

Trong nhiều năm, DEG không chỉ được dùng sản xuất thuốc ho mà còn có mặt trong thuốc hạ sốt và thậm chí các loại thuốc dùng để chích! Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong cao nhất vẫn xuất phát từ sirô ho, với hàng ngàn ca tử vong khắp thế giới trong hai thập niên qua. Nguồn gốc thứ thuốc giết người này, tất nhiên, có dấu vết từ Trung Quốc. Tại Bangladesh, các nhà điều tra đã tìm thấy DEG trong 7 nhãn dược phẩm vào năm 1992 và điều này chỉ được thực hiện khi có khoảng 200 trẻ em tử vong!

Khi ít nhất 88 trẻ em chết tại Haiti cách đây một thập niên, điều tra viên FDA đã mò ra được vết tích DEG tại thành phố Đại Liên (Liêu Ninh, Trung Quốc) nhưng họ không thể đến tận nơi để “sờ tận tay, day tận mặt” được do bị nhà chức trách cản trở. Giấy phép đến Đại Liên được cấp hơn một năm sau nhưng lúc đó nhà máy sản xuất sirô ho giết người đã được dọn đi và toàn bộ hồ sơ liên quan bị hủy sạch. Theo điều tra của “New York Times”, chính công ty dính vào vụ “đánh thuốc” gây tử vong tại Haiti cũng là nơi từng chuyển khoảng 50 tấn glycerin dỏm đến Mỹ vào năm 1995 và sau đó được bán lại một phần cho Công ty Mỹ Avatar trước khi vụ việc bị phát hiện. Luật kiểm soát dược phẩm Trung Quốc trong tình trạng vá víu, theo lời một nhà buôn giao dịch với CNSC Fortune Way (công ty trung gian tại Bắc Kinh, nơi thiết lập “cầu hải vận” cho những lọ sirô giết người cập vào cảng Panama), đã khiến một tên có trình độ lớp chín như Vương Quý Bình 41 tuổi trở thành tay tổ trong làng kinh doanh dược phẩm giết người!

Vốn là thợ may thu nhập ba đồng ba cọc, Quý Bình nhận ra hắn có thể kiếm thêm bằng nghề “tay trái” khi cung cấp sirô giá bèo cho các hãng dược. Để qua mặt người mua, Quý Bình – dù chẳng có chút kiến thức hóa học – đã làm dỏm giấy phép và biên bản phân tích phòng thí nghiệm. Một trong những công ty đầu tiên dùng loại sirô này là hãng dược Tề Tề Cáp Nhĩ 2 (Qiqihar No. 2 Pharmaceutical) tại Hắc Long Giang. Người mua cho Hãng Tề Tề Cáp Nhĩ 2 đã móc nối Quý Bình khi xem mẩu quảng cáo của đương sự trên một website.

Theo giới điều tra Trung Quốc, khi các thương vụ có vẻ ngon ăn, Quý Bình bắt đầu tìm chất thay thế sirô với giá thậm chí bèo hơn. Thế là một quyển hóa học phổ thông đã cho hắn câu trả lời: loại sirô không mùi – DEG, được bán với giá 6.000 – 7.000 tệ/tấn (tức khoảng 725 – 845USD) trong khi sirô chuẩn công nghiệp dược có giá 15.000 tệ (1.815USD). Sau khi mua “sirô DEG” từ mạng cung cấp Quý Bình, Tề Tề Cáp Nhĩ 2 dùng sản xuất năm loại sản phẩm: thuốc tiêm amillarisin A cho bệnh bàng quang; thuốc thụt cho trẻ em; thuốc tiêm cho các bệnh liên quan mạch máu; thuốc giảm đau tĩnh mạch; và thuốc thấp khớp. Tháng 4/2006, một trong những bệnh viện hàng đầu khu vực nam Trung Quốc (tại Quảng Châu) bắt đầu cho phép dùng amillarisin A. Chỉ chừng một tháng, ít nhất 18 người đã chết sau khi dùng thuốc.

Cùng lúc, cách đó khoảng 14.400km tại Panama, mùa mưa vừa bắt đầu. Đối mặt với dịch cảm ho, chương trình chăm sóc y tế sức khỏe quốc gia đã mua sirô ho. Đó là loại thuốc không ngọt để người tiểu đường có thể dùng. 46 thùng thuốc (dung dịch màu vàng, gần như trong suốt) bắt đầu cập cảng Panama từ Barcelona (Tây Ban Nha) và được dỡ xuống từ tàu Tobias Maersk. Vận đơn cho thấy thuốc được bào chế từ “glycerin với 99,5% tinh chất”. Vài tháng sau, với loạt ca tử vong, người ta mới phát hiện mức độ “tinh chất” glycerin cỡ nào và toàn bộ giấy tờ chứng nhận đã được làm dỏm tinh vi ra sao! Đầu tháng 9/2006, bác sĩ tại Bệnh viện công Panama City bắt đầu chú ý nhiều triệu chứng bất thường. Thoạt đầu, bệnh nhân có vẻ bị hội chứng Guillain-Barré (hiện tượng rối loạn thần kinh tương đối hiếm, thể hiện ở cảm giác ngứa hoặc yếu quị ở chân; cảm giác yếu quị sau đó lan lên tay, ngực; có khi làm tê liệt toàn thân và gây khó thở). Với các bệnh nhân lần này, cảm giác yếu quị không lan lên thân trên nhưng họ nhanh chóng bị mất khả năng tiểu tiện (hiện tượng không có ở hội chứng Guillain-Barré). Hoảng hốt, bác sĩ Panama City liên hệ với chuyên gia bệnh truyền nhiễm Néstor Sosa. Với tỉ lệ tử vong 50% bởi căn bệnh bí hiểm, Tiến sĩ Sosa lập tức thiết lập “phòng tác chiến 24/24” tại bệnh viện, nơi các ghi chú được so sánh và từng chi tiết nhỏ của từng bệnh nhân được cập nhật. Không khí hỗn loạn lan nhanh, khi người ta lo ngại một trận dịch truyền nhiễm có thể giết chết hàng loạt. Ghi nhận ban đầu cho thấy nạn nhân thường là các cụ trên 60 tuổi, bị tiểu đường và huyết áp cao. Khoảng 1/2 trong số đó được cho uống Lisinopril (thuốc huyết áp) nhưng việc chẩn đoán dường như có gì đó nhầm lẫn và phương pháp trị liệu chưa đánh trúng bệnh. Thế rồi có một bệnh nhân dùng Lisinopril bị ho nên ông ấy đồng thời được cho uống sirô. Nạn nhân đã chết sau đó không lâu. Thanh tra thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ lúc đó có mặt tại Panama hỗ trợ tiến trình điều tra đã lập tức đưa những lọ thuốc ho lên chuyên cơ chính phủ để được kiểm tra tại Mỹ. Hôm sau, ngày 11/10/2006, kết quả được gửi sang: Sirô có chứa DEG!

Những “thương hiệu đặc sản” Trung Quốc

Địa chỉ gốc những lọ thuốc ho giết người có thể được tìm thấy tại website Hãng dược Taixing Glycerine Factory (Thái Hưng cam du xưởng): www.chinachemnet.com/chinataixin (trang web này thời điểm hiện tại, tháng 7/2011, vẫn còn!). Bức ảnh đăng trên website cho thấy một cơ sở “hoành tráng” và bề thế nhưng phóng viên “New York Times” đã đến tận nơi và cho biết chẳng có cao ốc nào tại Hoành Hướng, một thị trấn nhỏ chỉ có một con lộ lớn! Trong thực tế, Xưởng dược Thái Hưng (nằm trong một căn nhà gạch được bao quanh bởi vài cửa hàng tạp hóa lèo xèo) đã mua DEG từ nhân vật Quý Bình nói ở trên! Chính tại đây, 46 thùng sirô đã chu du hết cảng này đến cảng kia trước khi có mặt tại Panama.

Chỉ trong năm 2009, có đến 58% hàng hóa Trung Quốc bị giới chức trách châu Âu cáo buộc vi phạm quy định an toàn, so với 2% từ Mỹ. Cần biết, hàng xuất khẩu Trung Quốc nhập vào châu Âu nhiều hơn Mỹ (18% so với 13%). Điều này cho thấy tỉ lệ vi phạm an toàn hàng hóa Trung Quốc hơn Mỹ đến 22 lần!

Nhà phân phối đầu tiên là Công ty Mậu dịch CNSC Fortune Way, nơi dịch sang tiếng Anh biên bản chứng thực “glycerin với 99,5% tinh chất” của Thái Hưng (theo nguyên tắc, biên bản chứng thực gốc phải được trao cho mỗi người mua mới nhưng điều này đã không xảy ra); rồi chuyển kiện hàng cho Công ty mậu dịch thứ hai tại Barcelona. Khi nhận hàng (9/2003), Công ty Tây Ban Nha Rasfer International cũng chẳng kiểm tra thành phần dược những lọ thuốc ho và chỉ sao chụp lại biên bản chứng thực được cung cấp từ CNSC. Vài tuần sau, Rasfer chuyển hàng cho Công ty mậu dịch thứ ba Medicom Business Group (Panama).

Khi đến Panama, lô hàng sirô nằm trong kho hơn hai năm và Medicom đã “chỉnh” lại thời hạn sử dụng (và tất nhiên chẳng buồn xét nghiệm)! Cuối cùng, khi đến thời điểm, Medicom bán lại cho Chính phủ Panama để sirô đi vào hệ tuần hoàn của những nạn nhân như Ernesto Osorio, một giáo viên trung học, người từng bị tê cứng nửa mặt “trông như một miếng thịt”. Đầu năm 2006, nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu lùng Quý Bình. Họ tìm thấy đương sự tại một giao lộ ở Đài Châu, thành phố cách Thái Hưng về phía bắc. Bỏ trốn, trông rũ rượi và bệnh hoạn, hắn cho biết mình đã không ăn hai ngày. Được đưa đến bệnh viện và đối mặt loạt chất vấn từ viên chức điều tra, hắn đã khai tuốt tuồn tuột. Tiền kiếm được, hắn chẳng giúp gì gia đình mà nướng sạch vào chiếu bạc. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện đã không có một cái kết có hậu.

Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Trung Quốc nói rằng, họ không có tư cách pháp lý trong vụ Thái Hưng bởi công ty này chưa từng xin giấy phép sản xuất dược phẩm và do đó không phải là hãng dược nên không thể kết tội liên quan vấn đề y tế và sức khỏe!

Không chỉ dược phẩm, mà thực phẩm Trung Quốc cũng gây ra những cơn rung động toàn cầu. Thử nhớ lại vụ một nhà nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản nhập hơn 50.000 bao đậu xanh “tươi” từ Công ty Yantai Beihai Foodstuff Co. (Yên Đài Bắc Hải thực phẩm hữu hạn công ty; thuộc tỉnh Sơn Đông). Sau khi xảy ra loạt ca người tiêu dùng bị nôn mửa và miệng mồm thậm chí tê cứng(!), giới chức y tế Nhật mới điều tra và tá hỏa với kết luận rằng, nồng độ thuốc trừ sâu trong đậu xanh Yên Đài Bắc Hải cao gần gấp 35.000 lần mức cho phép!… Nói đến thực phẩm Trung Quốc là đề cập đến một tuyển tập trường kỳ không có điểm kết.

Về ngư phẩm, Trung Quốc đứng đầu thế giới về cá nhiễm bẩn. Con đường phiêu lưu của ngư phẩm Trung Quốc bắt đầu từ mé thượng nguồn Dương Tử rồi chạy qua hơn 4.800km xuống lưu vực phía đông, nơi chúng được đóng gói trước khi lên đường thâm nhập vào bao tử thế giới và tạo ra những cuộc giết chóc rùng rợn. Cần biết, dọc dòng Dương Tử là những thành phố đang bùng nổ phát triển như Thành Đô và Trùng Khánh, nơi ngập ngụa hàng trăm triệu tấn chất thải công nghiệp trộn lẫn phân người cùng nhiều loại phân động vật khác. Cái mớ hổ lốn tạp nham bẩn thỉu này lại được tích tụ và được “bồi đắp” ở cái hồ chứa khổng lồ sau Đập Tam Môn Hợp bên dưới Trùng Khánh.

Với môi trường sông nước “tự nhiên” như thế, cá tôm sinh sống được trong đó hẳn có thể được xem là chuyện “thần kỳ”. Cơ thể chúng chứa những chất gì chắc ai cũng có thể hình dung, và càng có thể hình dung rõ mồn một, khi những con cá đó gây ảnh hưởng cho con người như thế nào nếu chúng lọt qua miệng chúng ta…

Hiểm họa từ hàng Tàu 3kim50511-477x336
"Gạo nhựa" - "đặc sản" có một không hai từ Trung Quốc

Trung Quốc còn có nhiều loại thức ăn “độc đáo” khác. “Gạo nhựa” chẳng hạn (được nghiền từ khoai lang và khoai tây rồi được trộn nhựa để tạo dẻo). Ăn ba bát cơm nấu từ gạo này chẳng khác gì nuốt trọng nguyên một bịch nylon vào ruột(!) – theo lời một viên chức thuộc Hiệp hội Nhà hàng Trung Quốc. Liên quan gạo, còn có “giai thoại” có thật về loại gạo thơm Ngũ Thường (Wuchang rice). Được “nhân rộng” ở Cam Túc, Hà Nam, Thanh Hải, Sơn Tây, Tứ Xuyên…, phong trào sản xuất gạo thơm dỏm bùng nổ bằng việc cho chất tạo hương vào để gạo có mùi thơm như gạo đặc sản Ngũ Thường. Mà có tốn kém gì bao nhiêu: chỉ cần cho 1,2kg chất tạo hương, một nhà sản xuất đã có thể “làm mùi” cho 10 tấn gạo! Trong thực tế, gạo Ngũ Thường ở đâu mà lắm thế, bởi địa phương này (thuộc Hắc Long Giang) mỗi năm chỉ có thể sản xuất 800.000 tấn gạo, chứ có đâu mà đến hơn 10 triệu tấn như được rao bán ngoài thị trường khắp nước Trung Quốc!

(*) Bài có sử dụng thêm một số nguồn tài liệu khác liên quan

Cao Minh
Về Đầu Trang Go down
JiA
Supporter
Supporter
JiA


Tổng số bài gửi : 56
Điểm số : 10259
Ngày tham gia : 24/02/2011

Hiểm họa từ hàng Tàu Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hiểm họa từ hàng Tàu   Hiểm họa từ hàng Tàu Empty3/8/2011, 2:13 am

Trong gần như tất cả trường hợp, Trung Quốc chẳng bao giờ chịu trách nhiệm về những cái chết thương tâm gây ra bởi văn hóa làm gian làm dối của họ. "Sống chết mặc xác chúng bay" là "phong cách" làm ăn phổ biến đến mức trở thành chuyện thường ngày ở Trung Quốc…

Hiểm họa từ hàng Tàu 16-477x305
Kiệt sức bởi tình trạng làm việc quá tải và lương thấp khiến công nhân Trung Quốc chẳng còn hơi sức đâu mà quan tâm đến chất lượng sản phẩm

“Tiền thầy bỏ túi”…

Amber Donnals đang ngồi ở hiên hè thì bỗng nghe tiếng nổ to rồi có tiếng khóc thét của thằng bé Bryan 6 tuổi. Chạy vội ra, bà mẹ Amber thấy Bryan mình mẩy bốc cháy như ngọn đuốc. Thủ phạm gây ra vụ trên là chiếc xe địa hình đồ chơi nhập từ Trung Quốc! Câu chuyện trên cho thấy một sự thật rằng, khi mua bất cứ thứ gì từ Trung Quốc, người tiêu dùng hãy cứ tin chắc rằng, họ sẽ gặp những chuyện tồi tệ khó ngờ nhất. Một chiếc xe đạp có thể làm gãy cổ bạn; một cái điều khiển tivi có thể làm bạn bỏng tay khi nó bất ngờ phát nhiệt; một cái quạt máy có thể làm ngôi nhà bạn biến thành tro do điện bị “xì” từ mớ dây quấn dối; một cái điện thoại có thể biến thành con dao sắc lẹm đâm thủng tim; một chiếc bật lửa có thể khiến nạn nhân bị… vô sinh khi nó đột ngột phát nổ trong túi quần…

Tại sao những chuyện như thế lại có thể xảy ra? Đầu tiên, đó là do hàng rào phòng thủ thứ nhất bảo vệ bạn đã bị phá hỏng. Đó là dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, nơi công nhân bị bắt làm việc quá sức, bị trả lương bèo và được huấn luyện sơ sài. Thứ đến là hàng rào phòng thủ thứ hai. Đó là văn hóa bê bối vô nhân tính của những “ông chủ” Trung Quốc, những người chẳng quan tâm chút nào đến khái niệm an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng. Kế nữa là hàng rào phòng thủ thứ ba. Đó là hoạt động kiểm định chất lượng. Tại Trung Quốc, việc kiểm định chất lượng sản phẩm chẳng khác gì màn trang trí, bởi nhân viên kiểm định có thể bị mua chuộc dễ dàng bằng hối lộ. Sống trong nền văn hóa tham nhũng như Trung Quốc, người dân đã quá quen với chuyện “biết điều” bằng cách đút lót để làm ăn trót lọt.

Tiếp đến là hàng rào phòng thủ thứ tư. Đó là giới hải quan nước nhập khẩu, những người cũng tắc trách không kém khi để hàng hóa kém chất lượng Trung Quốc lọt qua cửa khẩu và tràn như lũ quét vào thị trường nước mình. Và cuối cùng là hàng rào phòng thủ thứ năm – các công ty nước ngoài nhập hàng từ Trung Quốc. Do muốn lãi nhiều, các công ty này cứ giao dịch với đối tác Trung Quốc để được mua hàng rẻ. Năm hàng rào phòng thủ cơ bản trên đã bị phá vỡ chẳng trách sao hàng Trung Quốc tiếp tục tác oai tác quái…

Do thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi nghe những vụ chẳng hạn như: Tường thạch cao Trung Quốc không chỉ biến ngôi nhà bạn thành nơi ngột ngạt sặc mùi hôi thối (và khí sulfure của chúng khiến nhiều đồ đạc như ống nước nhanh chóng bị ăn mòn, vật dụng inox hoặc bằng bạc bị úa màu xỉn đen…) mà còn làm hỏng hệ hô hấp người cũng như làm chết vật nuôi. Do thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi nghe những vụ chẳng hạn, chiếc ghế sofa trong nhà bỗng dưng làm bỏng da (bởi chứa dimethyl fumarate dùng làm chất chống mốc). Có chuyện kể rằng, bé sơ sinh Archie Lloyd-Bennett tại Anh bị bỏng toàn thân bởi nằm trên chiếc ghế da nhập từ Trung Quốc.

Hoặc chuyện bé Angel Thomson 3 tuổi tại Scotland bị bỏng nặng đến mức nhân viên bệnh viện thoạt đầu nghĩ rằng, bé hẳn đã bị “cố ý” đốt bằng thuốc lá! Bệnh viện phải liên lạc với Tổ chức Xã hội Cộng đồng để điều tra xem liệu có phải Angel bị bố hoặc mẹ “chơi ác” đốt con họ hay không! Vụ việc nghiêm trọng đến mức mẹ của Angel, cô Ann, đã bị nhà chức trách ra lệnh cách ly khỏi con, mãi cho đến khi người ta tìm ra được thủ phạm thật sự. Và trong khi Tòa buộc giới nhập khẩu Anh (chịu trách nhiệm trực tiếp nhập các sản phẩm da từ Trung Quốc) phải nộp phạt 32 triệu USD, giới sản xuất Trung Quốc lại vẫn… bình an vô sự.

Sự gian xảo của giới làm ăn Trung Quốc đã thể hiện ngay từ những cái bắt tay đầu tiên. Lấy ví dụ, một thương nhân Mỹ muốn giảm chi phí sản xuất và đến Trung Quốc tìm đối tác. Khi tìm được ứng cử viên ưng ý, vị thương nhân Mỹ đưa ra kế hoạch sản xuất và bản thiết kế sản phẩm. Lúc đó, một trong ba khả năng sau đây có thể xảy ra. Thứ nhất, (giả định là trường hợp đẹp nhất), đối tác Trung Quốc sẽ ký hợp đồng dài hạn và giữ đúng cam kết sản xuất sản phẩm có chất lượng cao với giá thành rẻ. Nếu thế thì chẳng có gì đáng phiền xảy ra… Thứ hai, (có xác suất xảy ra khá cao), đối tác Trung Quốc viện lý này, nại lý kia không làm ăn với vị thương nhân Mỹ nhưng giữ lại bản thiết kế và tự mình tung ra sản phẩm! Thứ ba, (xảy ra thường xuyên trong thực tế), đối tác Trung Quốc nhanh chóng đưa ra bản beta (sản phẩm mẫu) theo đúng yêu cầu. Thế là Mỹ ký hợp đồng.

Vấn đề ở chỗ, trong quá trình sản xuất, Trung Quốc bắt đầu giảm dần chất lượng, giảm đến mức độ an toàn sản phẩm gần như bằng không! Thử xem câu chuyện điển hình giữa Hãng lốp xe Foreign Tire Sales (FTS – New Jersey, Mỹ) với Hangzhou Zhongce Rubber Co (Hàng Châu Trung Sách Tượng Giao hữu hạn công ty). Sau vài năm sản xuất hàng cho FTS, Hàng Châu Trung Sách bắt đầu chơi trò lưu manh khi giảm vòng keo dán bố (gum strip) lốp xe xuống còn phân nửa. Thấy qua mặt được, Hàng Châu Trung Sách tiếp tục mạnh tay hơn khi bỏ hẳn phần gum strip! Cái giá cho hành động này là nhiều tai nạn giao thông khủng khiếp, như trường hợp một xe cứu thương bị nổ lốp khiến xe bị lật chỏng gọng ở New Mexico hoặc một vụ đụng xe kinh hoàng ở Pennsylvania khiến hai người chết và một số người khác bị thương. Tất nhiên, sau các sự cố trên, FTS phải thu hồi tất cả lốp xe ở Mỹ do Hàng Châu Trung Sách sản xuất; và công ty khánh kiệt đến mức suýt phá sản. Và như nhiều trường hợp khác, Hàng Châu Trung Sách vẫn bình yên vô sự!

Chuyện con chip dỏm

Hiểm họa từ hàng Tàu 22-477x357
Chip dỏm Trung Quốc lọt cả vào hệ thống Quốc phòng Mỹ

Một cuộc điều tra của tờ “BusinessWeek” cho biết, hàng lô thiết bị điện tử dỏm (đặc biệt con “chip”) dùng cho chiến đấu cơ, tàu chiến và hệ thống truyền thông của Lầu Năm Góc đã được phát hiện là hàng dỏm. Ít người biết rằng, những con chip này có nguồn gốc từ khu chợ ve chai điện tử lớn nhất thế giới là Trung Quốc! Hậu quả, quân đội Mỹ ngày càng chứng kiến nhiều trường hợp “sự cố” kỳ quặc chẳng hạn một trực thăng đang bay ngon lành ở Iraq bỗng bốc cháy mịt mù!… Tháng 11-2005, một chương trình tuyệt mật của công nghiệp quốc phòng Lầu Năm Góc chuyên giám sát hàng giả đã đưa ra một cảnh báo cho biết, nhiều thiết bị thuộc Tập đoàn công nghệ quốc phòng sừng sỏ BAE Systems của Anh (chi nhánh Mỹ) liên tục thất bại trong thử nghiệm thực tế, có nghĩa thiết bị quân sự không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và nguyên nhân là chip dỏm.

Cảnh báo từ Chương trình trao đổi dữ liệu công nghiệp chính phủ (GIDEP) được “Business Week” tiếp cận cho biết có hai mẻ chip “chưa bao giờ được chuyển đến” từ nhà sản xuất Maxim Integrated Products ở Sunnyvale (California) do “Maxim tin rằng, đó là chip giả”. Trong một vụ khác xảy ra tháng 1-2007, một con chip mà người ta tưởng do Xicor (một đơn vị thuộc Hãng Intersil ở Milpitas, California) sản xuất đã được phát hiện trong máy tính điều khiển một chiến đấu cơ F-15 tại Căn cứ không quân Robins ở Warner Robins (bang Georgia). Điều tra viên Terry Mosher thuộc Phòng Điều tra đặc biệt Không quân Hoa Kỳ xác nhận rằng, phi đội quản lý chuỗi cung ứng thiết bị quân đội 409 đã tìm thấy 4 con chip Xicor dỏm.

Chưa hết, người ta còn phát hiện hàng trăm bộ định tuyến (router) dỏm bán cho Hải, Lục, Không quân Hoa Kỳ trong 4 năm, tính đến năm 2008. Cần nhấn mạnh, các bộ định tuyến được phát hiện làm dỏm được ghi là sản xuất bởi Tập đoàn Công nghệ cao khổng lồ Cisco Systems tại San Jose. Đề cập việc tịch thu hơn 400 bộ định tuyến “lôm côm”, Melissa E. Hathaway – Giám đốc bộ phận an ninh thuộc Phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Hoa Kỳ – nói rằng, những sản phẩm dỏm trên có liên quan đến việc “sụp” mạng của nhiều chương trình quan trọng. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể chứa “cửa hậu” được giấu ẩn mà bọn hacker hoặc điệp viên nước ngoài có thể thâm nhập và lọt qua mạng an ninh để truy xuất dữ liệu tuyệt mật. Robert P. Ernst – người giám sát bộ phận nghiên cứu hàng giả cho Hải quân Mỹ – đánh giá rằng, có đến 15% tất cả chip thay thế và chip phòng bị trong các thương vụ mà Lầu Năm Góc bỏ tiền mua đều là hàng giả!

Vấn đề ở chỗ, các nhà thầu quân sự Mỹ (trong đó có trường hợp Maxim, Xicor và Cisco Systems nói trên) đã không thật sự tự sản xuất mà đặt hàng tại Trung Quốc để có lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều lô hàng “được sản xuất bởi BAE Systems” thật ra xuất phát từ Thâm Quyến (Trung Quốc), có nguồn gốc từ chợ điện tử Quý Tự thuộc Sán Đầu, Đông Nam Trung Quốc (xin nhấn mạnh, Quý Tự là chợ phế liệu điện tử lớn nhất thế giới!). Ít người hình dung được rằng, những con chip nhỏ xíu thuộc hàng “lạp xoong” tại đây đã được tẩy rửa bên bờ sông Liên Giang (Phúc Kiến) rồi được bán lại từ các trung tâm chuyên thu mua hàng “ve chai điện tử” chẳng hạn Jinlong Electronics (Kim Long Điện cơ Công ty).

Chính ông chủ Lô Vĩ Long của Công ty Kim Long cũng thừa nhận “chip quân sự” do công ty mình bán là hàng dỏm. Nhân viên Kim Long đã cạo vết sơn cũ trên những con chip bình thường rồi in lại với nhãn đặc biệt dùng trong công nghệ quốc phòng. “Ai ở Quý Tự cũng làm thế cả mà!” – họ Lô nói. Dữ liệu ngày tháng trên chip là dỏm 100% bởi chúng được nhổ ra từ bo máy tính cũ thuộc thập niên 80-90 của thế kỷ trước(!) trong khi khách hàng luôn đòi sản phẩm sản xuất sau năm 2000 – Lô kể thêm. Ấy vậy mà những con chip bị “luộc” này cuối cùng đã lọt vào nhiều thiết bị của BAE Systems, nơi nổi tiếng thế giới với nhiều sản phẩm quốc phòng phức tạp, từ hệ thống cảnh báo tên lửa cho chiến đấu cơ đến thiết bị dò tìm mục tiêu bằng tia laser cho lính bắn tỉa.

BAE Systems chẳng phải là nơi duy nhất. Các nhà thầu quốc phòng đã trình báo sự cố chip giả còn có bộ phận vệ tinh của Boeing; bộ phận sản xuất tên lửa của Raytheon; bộ phận điều khiển lái tàu của Northrop Grumman; bộ phận kiểm soát hỏa hoạn và tên lửa của Lockheed Martin. Cơn lũ hàng giả tràn vào Lầu Năm Góc xuất phát từ việc Bộ Quốc phòng Mỹ cần phụ tùng cho các cỗ máy cũ nhằm tiết kiệm ngân sách. Giữa thập niên 90, sau khi Liên Xô sụp đổ, Nội các Clinton đã đưa ra sáng kiến này và tiếp tục được duy trì thời Bush. Từ đó, Lầu Năm Góc bắt đầu giao dịch với những tay môi giới thiết bị quân sự với các cam kết sẵn sàng tìm nguồn cung cấp giá hạ. Trên thị trường, giá buôn sỉ chip có thể từ 0,10USD/chip đến 2.000USD tùy chất lượng và mức độ phức tạp của sản phẩm.

Lầu Năm Góc chi khoảng 3,5 tỉ USD/năm cho chip phòng bị và nhiều trong số đó được dùng cho máy bay và tàu chiến có tuổi từ 10-20 năm. Phần các công ty sản xuất tên tuổi và giới phân phối có uy tín, họ hưởng 10-30% trong việc giao dịch tìm nguồn chip cũ. Với các tay môi giới nhỏ hơn, họ đương nhiên kiếm được “hoa hồng” ít hơn. Tuy nhiên, số tay môi giới nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này bắt đầu tăng dần từ sau năm 1994, khi Quốc hội ngưng yêu cầu những nhà thầu chính phủ phải chứng thực họ là nhà sản xuất gốc hoặc là nhà phân phối được ủy quyền hợp pháp. Hiện thời, số tay môi giới loại này có đến hàng trăm và không ít người trong bọn họ giành được nhiều hợp đồng béo bở với Lầu Năm Góc.

Hiểm họa từ hàng Tàu 33-477x355
Loại lốp xe "đặc biệt" sản xuất từ Trung Quốc: Không có keo dán bố!

Tháng 4-2007, BAE Systems của Anh (chi nhánh Mỹ) cho biết họ đã được giao một lô chip dỏm “sản xuất bởi Philips Semiconductor”. Ngày sản xuất in trên chip cho biết lô hàng được xuất xưởng năm 1998. Tuy nhiên, NXP Semiconductors – đơn vị trực thuộc Philips cho đến khi tách riêng năm 2006 – nói rằng họ đã ngưng sản xuất chip quân sự từ năm 1997. Theo hồ sơ lưu, BAE Systems mua lô chip trên từ Port Electronics – nhà phân phối tại Salem (New Hampshire). Robert W. Wentworth – Phó chủ tịch Port Electronics – thuật rằng, công ty mình được BAE Systems yêu cầu lùng sục chip cũ để tránh phải tái thiết kế chip cho một số hệ thống vũ khí nhằm tiết kiệm ngân sách hàng triệu USD. Thế là Port Electronics săn lùng. Cuối cùng, họ mua hàng từ một nhà phân phối khác – Aapex International, ở Salem (Massachusetts). Phần mình, Aapex mua lô chip trên từ Hội chợ điện tử quốc tế Hongkong tổ chức ở Thâm Quyến, thông qua một tập sách quảng cáo nhỏ.

Như vậy, Aapex chẳng hề điều tra nguồn cung cấp chip cũng như tìm hiểu chất lượng lô hàng mà họ mua. Chẳng có gì ngạc nhiên khi biết thêm rằng Hội chợ điện tử quốc tế Hongkong đã “nhập” chip từ chợ ve chai điện tử Quý Tự. Với dân chuyên nghiệp “luộc” chip, việc tìm đúng thế hệ chip được đặt hàng không có gì quá khó. Trước sự chứng kiến của phóng viên “BusinessWeek”, ông chủ Lô Vĩ Long của Trung tâm Điện tử Kim Long gõ lóc cóc vào hộp tìm kiếm của trang web Google để lùng sục bo mạch nào cần đến để lấy chip theo đúng yêu cầu. Tinh vi hơn, một số lái buôn chip dỏm còn lập công ty bình phong tại Mỹ để tiện giao dịch. JFBK tại Fullerton (California) chẳng hạn. Đây chính là nơi cung cấp chip cho North Shore Components (nhà phân phối tại Bellport, New York) và chip được bán lại cho Lầu Năm Góc để dùng cho chiến đấu cơ FA-18 và máy bay do thám E-2C Hawkeye, khi người ta cứ ngỡ chúng được sản xuất bởi National Semiconductor ở Santa Clara (California)! Tại văn phòng nhỏ của JFBK, người ta còn thấy có hai công ty Trung Quốc nữa: MeiXin Technologies và New World Tech (đều chuyên môi giới chip)…

(*) Bài có sử dụng thêm một số nguồn tài liệu khác liên quan
Cao Minh
Về Đầu Trang Go down
 
Hiểm họa từ hàng Tàu
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Góc thư giãn & Trà sữa tâm hồn
» Dòng PC AMD APU "nhỏ nhất thế giới" đã có hàng
» Xem Blizzard “khoe hàng” tại Blizzcon 2011
» Chip APU của AMD nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn
» Bí quyết nấu Phở ngon từ công thức Phở gốc Hàng Đồng Nam Định

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::.. :: NHỮNG TOPIC KHÁC :: Tổng hợp-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất