Tối qua 9.4, Tổ công tác của Bộ KH-CN xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 thông báo, theo tính toán, từ cuối ngày 9.4 đám mây phóng xạ vào VN. Cũng trong ngày 9.4, các nhà khoa học VN phát hiện nồng độ phóng xạ Cs-134 và 137 trong không khí tại TP.HCM, I-131 trong nước mưa và Cs-134 trong lá cây tại Hà Nội.
Theo Tổ công tác, có thể đám mây phóng xạ sẽ tồn tại trong vùng Đông Nam Á một vài ngày. Đám mây phóng xạ mạnh nhất được dự đoán sẽ phân tán rất nhanh trong ngày 9 và 10.4. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian. Trước đó, dự đoán của Trung tâm Dữ liệu quốc gia của VN trong mạng lưới cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO), đám mây phóng xạ tiến vào Móng Cái (Quảng Ninh) và trong ngày hôm nay 10.4, đám mây phóng xạ mạnh nhất sẽ bao phủ lên toàn lãnh thổ VN. TS Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân, cho hay đó là dự báo trên cơ sở mô hình, các trạm quan trắc không thể phát hiện ra các đám mây mà chỉ có thể đo nồng độ trong không khí. Vì vậy, trong ngày hôm nay 10.4, khi đám mây mạnh nhất được dự báo đã ở trong lãnh thổ VN, các trạm quan trắc mới có thể lấy mẫu son khí, từ đó đưa ra giá trị đo thực tế.
PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, cho biết thêm: thông thường sau một ngày hút khí, thu thập mẫu và phân tích mới có thể đưa ra kết quả nồng độ phóng xạ trong không khí là bao nhiêu. Ông Tấn khẳng định trong trường hợp xấu nhất, mức phóng xạ sẽ tăng thêm lớn nhất là 100 lần so với mức đã phát hiện, nhưng như thế vẫn thấp hơn hàng ngàn lần giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn VN.
Cũng trong ngày 9.4, theo số liệu đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử VN, trong không khí ở Đà Lạt và Ninh Thuận, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất), còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131. Riêng TP.HCM, theo TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, ngoài đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, còn phát hiện thêm 2 đồng vị phóng xạ Cs-134 và Cs-137. TS Điền nhận định các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại 3 địa điểm nói trên đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Không ảnh hưởng tới sức khỏe
Trước những thông tin đồn đại về mây phóng xạ vào VN ảnh hưởng tới nước mưa, gây hoang mang cho người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn sử dụng nước mưa trong sinh hoạt hằng ngày, các nhà khoa học Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân đã lấy mẫu nước mưa xét nghiệm. Tối qua 9.4, TS Trịnh Văn Giáp cho hay đã phát hiệnđược nồng độ phóng xạ I-131 trong mẫu nước mưa. Theo TS Giáp, mẫu nước này lấy từ cơn mưa trong ngày 7.4 tại Hà Nội. Kết quả số liệu cụ thể sẽ được công bố trong ngày hôm nay 10.4. Việc công bố những số liệu cụ thể nhằm chứng minh cho người dân thấy rằng giống như mẫu không khí, nồng độ phóng xạ trong nước mưa thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép, do vậy không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân cũng đã lấy mẫu lá thông (loại lá thường được dùng để chỉ thị ô nhiễm phóng xạ trong môi trường không khí và thực vật) ở Sóc Sơn (Hà Nội) đo. Kết quả, ngoài các đồng vị Be-7, K-40, U-238, Th-232 và Cs-137 có hàm lượng ở mức bình thường như trước khi xảy ra sự cố tại Nhật Bản, còn phát hiện được đồng vị Cs-134 với hàm lượng rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cũng cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường.
Thu Hằng