Không chỉ chịu cảnh thiếu điện tới 4-5% nhu cầu, Việt Nam còn phải đối mặt trước sức ép đòi tăng mạnh giá bán điện từ phía Trung Quốc, đối tác sẽ cung cấp hơn 4,6 tỷ kWh cho Việt Nam năm nay.Giá điện Trung Quốc có thể vọt thêm 15%?Theo một nguồn thông tin từ Công ty điện lực miền Bắc, hiện nay, việc đàm phán mua điện của Trung Quốc đang gặp khó khăn về giá. Đã sang tháng 3 nhưng hợp đồng mua bán điện năm 2011 với nước này vẫn chưa được ký kết vì chưa thể thống nhất mức tăng giá điện.
Đầu năm, đơn vị đã nhận được đề nghị của đối tác Trung Quốc sẽ tăng giá bán điện từ mức 5,1 cent/kWh (giá năm 2010) lên mức rất cao, có thể tới khoảng 6-7 cent/kWh. Mức này còn cao hơn cả giá bán lẻ điện bình quân năm 2011 trong nước và có mức tăng từ 15-27%.
Tuy nhiên, đơn vị chịu trách nhiệm đàm phán là EVN vẫn chưa chấp thuận. Vị chuyên gia của điện lực miền Bắc bày tỏ, mặc dù chưa rõ mức tăng giá là bao nhiêu, nhưng 2 bên đã phải thống nhất cam kết rằng, khi nào chốt giá điện mới, sẽ áp dụng ngay từ tháng 1 năm 2011. Tới lúc đó, EVN sẽ phải trả tiền phát sinh chênh lệch tăng giá điện cho phía Trung Quốc đối với sản lượng điện đã mua từ đầu năm.
Trong bối cảnh năm nay, giá điện mới là mức giá "không có lợi nhuận", EVN còn bị treo lại tới gần 28.000 tỷ đồng phát sinh năm 2010, việc các công ty lưới điện ở Trung Quốc đòi tăng giá bán sẽ là một sức ép lớn lên bức tranh tài chính vốn đã lỗ nặng của Tập đoàn này.
Số lỗ này thể nhẩm tính ngay vì sản lượng điện Trung Quốc mà EVN dự kiến phải mua vào năm 2011 không hề nhỏ, lên tới 4,6 tỷ kWh, chiếm tới 4% sản lượng cung ứng điện cho cả năm. 2 tháng đầu năm 2011, EVN đã mua Trung Quốc 956 triệu kWh, tăng 28,89% so với cùng kỳ 2010, trong đó, riêng tháng 2 đã mua 418 triệu kWh, tăng 33,36% so với tháng 2/2010.
Nhu cầu tăng giá điện mua bán giữa các quốc gia khi giá cả thế giới đang trở nên đắt đỏ là tất yếu. Năm 2008, Trung Quốc bán cho Việt Nam với mức giá điện là 4,5 cent/kWh nhưng đến năm 2010, mức giá mới đã là 5,1 cent/kWh, tức đã tăng thêm 12%.
Trung Quốc đòi tăng giá điện mạnh như vậy là điều đáng lo ngại cho ngành điện Việt Nam, khi cách đây không lâu, việc nhập khẩu điện Trung Quốc đã được hoạch định là nguồn mua dài hơi trong tương lai!
Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép đòi tăng mạnh giá bán điện từ phía Trung Quốc (Ảnh: Hà Nội mới)
Có nên trông chờ nguồn điện Trung Quốc?Trong khoảng 3-4 năm gần đây, nguồn điện Trung Quốc luôn được mặc định là một nguồn cung cố định cho Việt Nam. Nếu như năm 2005, Việt Nam mới chỉ nhập khẩu 200 triệu kWh từ Trung Quốc và cung cấp cho 2 tỉnh miền núi là Hà Giang và Yên Bái thì năm 2007, kế hoạch mua điện từ nước ngày đã tăng lên gấp 13 lần.
Từ năm 2008, tỷ trọng nguồn điện Trung Quốc luôn chiếm khoảng 4% trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Hiện nay, đây là nguồn chính cấp điện cho 12 tỉnh phía Bắc (Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang).
Có thể thấy, tỷ trọng 4% nguồn cung không phải là tỷ lệ áp đảo và có khả năng chi phối "thị trường". Tuy nhiên, điện là thứ hàng hóa rất đặc biệt, không có "tồn kho", sản xuất đến đâu, bán đến đó nên chỉ cần 1% có vấn đề là chắc chắn, an ninh năng lượng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia trong ngành, đối tác bán điện Trung Quốc cũng rất... kỹ tính và giám sát hợp đồng vô cùng chặt chẽ. Căn cứ so sánh với sản lượng trong hợp đồng mua bán điện, chỉ cần Việt Nam mua thiếu hoặc mua tăng sản lượng thì ngay lập tức, sẽ bị phạt tiền. Còn nếu sử dụng tăng sản lượng quá mức, Trung Quốc có thể cắt điện cấp cho Việt Nam.
Mùa khô năm 2010, Việt Nam thiếu điện trầm trọng, các nguồn thủy điện khô kiệt, thì thật vô tình, công ty lưới điện Vân Nam, Trung Quốc lại cũng ngưng cấp điện hơn 20 ngày vì lý do kỹ thuật. Khi đó, chính EVN cũng phải dẫn giải việc thiếu điện còn do việc mua điện của Trung Quốc sụt giảm so với năm 2009.
Việc đàm phán phấn đấu để Trung Quốc gật đầu đồng ý cung cấp thêm 1-2 triệu kWh/ngày bỗng trở quí như vàng và được coi như một thành công!? Trong khi đó, cũng chính vì việc mua tăng sản lượng ngoài hợp đồng này, Tổng công ty điện lực miền Bắc đã phải chịu phạt tới 887.000USD.
Năm nay, chuyện Trung Quốc đòi tăng giá điện mạnh đã đặt ra cho EVN một bài toán nan giải khác, bài toàn của vị thế người bị phụ thuộc. Khi hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc còn chưa ký chính thức, EVN đã ấn định một sản lượng điện "ngoại" lớn 4,6 tỷ kWh trong kế hoạch cung ứng điện quốc gia.
Thông điệp tiếp tục tăng mua đối đa nguồn điện Trung Quốc được nhấn mạnh khá nhiều lần. Lợi dụng sự khó khăn về nguồn cung này, việc nhà cung ứng của Trung Quốc tạo sức ép đòi tăng giá điện là điều thật dễ hiểu!
Và vì điện là thứ hàng hóa quá đặc biệt nên mọi động thái gây khó dễ từ phía công ty Trung Quốc đều có khả năng ảnh hưởng đến cung cầu điện quốc gia. Trong xu thế giá cả thế giới hiện nay, liệu rằng năm 2012 và các năm tiếp theo, kịch bản Trung Quốc lại tăng giá điện cho Việt Nam có tái diễn?
Nhìn toàn diện hơn trong vấn đề năng lượng, năm 2010, chính vì việc ngăn sông, tích nước ở thượng nguồn phía Trung Quốc đã góp phần lớn khiến cho các hồ thủy điện Việt Nam bị can kiệt. Cũng vì tới 10 nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc đang làm tổng thầu cho Việt Nam đều chậm tiến độ, đã làm gia tăng áp lực thiếu điện.
Trong khi đó, hiệu quả từ nguồn điện Trung Quốc lại không được phát huy đầy đủ. Mặc dù có tới 5 năm mua điện của nước này song đến nay, nguồn điện truyền tải trên đường dây 110kV và 220kV của Trung Quốc không hòa được với nhau và là nguồn độc lập với lưới điện quốc gia của Việt Nam. Trong khi đó, 2 đường dây này đã bị quá tải. Vì lẽ đó, nếu 12 tỉnh phía Bắc không tiêu thụ hết sản lượng điện Trung Quốc thì cũng không thể truyền tải sang cho tỉnh khác.
Khi EVN xác định chủ trương nhập khẩu dài hạn nguồn điện từ Trung Quốc thì cũng đồng nghĩa, an ninh năng lượng của Việt Nam sẽ còn phụ thuộc vào độ tin cậy của chính công ty phân phối điện Trung Quốc. Chiến lược nhập khẩu một nguồn năng lượng nhạy cảm này nếu không cẩn trọng, sẽ có thể dẫn tới mối nguy lớn: Việt Nam dễ bị bắt chẹt phải mua điện giá cao, hoặc sẽ phải đứng trước nguy cơ thiếu điện do không mua được đủ điện như dự kiến.