..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::..
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::..


 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  
vu_vantien (513)
.:.Admin.:. (190)
khanhthietbi (190)
snes9x (56)
JiA (56)
amanda (53)
mr.taxi (47)
NyL (46)
513 Số bài - 42%
190 Số bài - 15%
190 Số bài - 15%
56 Số bài - 5%
56 Số bài - 5%
53 Số bài - 4%
47 Số bài - 4%
46 Số bài - 4%
42 Số bài - 3%
37 Số bài - 3%

 

 Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I)

Go down 
Tác giảThông điệp
mr.taxi
Thành viên nhóm tin tức
Thành viên nhóm tin tức
mr.taxi


Tổng số bài gửi : 47
Điểm số : 10049
Ngày tham gia : 08/08/2011

Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I) Empty
Bài gửiTiêu đề: Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I)   Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I) Empty10/12/2011, 9:32 am

Cho dù ở bất cứ thời kỳ nào, người Anh vẫn tuân theo một quy luật bất biến - cuộc chiến vì các nguồn tài nguyên sống còn luôn là điều cốt lõi của các chính sách chính trị và kinh tế trong suốt quá trình phát triển của nhân loại.Người Anh từ rất lâu đã nhận thức được rằng, bất cứ một quốc gia nào cũng chỉ có thể phồn vinh và phát triển trong trường hợp có được những nguồn tài nguyên chiến lược cơ bản và khả năng tiếp cận không hạn chế tới chúng. Những nguồn tài nguyên trên thực tế cũng rất đa dạng: năng lượng, nước, khoáng sản, nguyên liệu v.v… Nhưng cho dù ở bất cứ thời kỳ nào, người Anh vẫn tuân theo một quy luật bất biến – cuộc chiến vì các nguồn tài nguyên sống còn luôn là điều cốt lõi của các chính sách chính trị và kinh tế trong suốt quá trình phát triển của nhân loại. Dầu mỏ với vai trò là nguồn năng lượng hàng đầu trong thời đại ngày nay tất nhiên cũng không phải là điều ngoại lệ đối với người Anh.
Cho đến cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, nước Anh vẫn chưa có khả năng tiếp cận trực tiếp với các nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn. Chính vì vậy, London luôn phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu từ Mỹ, Nga và Mexico. Đây là một thực trạng không thể chấp nhận được của người Anh, vốn luôn nhấn mạnh yếu tố cần thiết phải kiểm soát các mỏ dầu “của mình”. Từ đầu thế kỷ XX, khi Anh bắt đầu từ bỏ nguồn năng lượng chính là than để chuyển sang dầu, “yếu tố dầu mỏ” đã trở thành vấn đề chủ chốt trong chính sách đối ngoại của xứ sở sương mù.
Người Anh không bao giờ quên câu nói nổi tiếng của Đô đốc John Fisher từ đầu thế kỷ XX khẳng định: “Ai nắm được dầu mỏ, người đó sẽ cai trị thế giới”. Đó là lý do ngay từ tháng 7/1918, cố vấn về bảo đảm dầu mỏ của Bộ Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Edmond Slade, đã công bố một bị vong lục đặc biệt, trong đó khẳng định nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách của Anh tại Trung Đông chính là thiết lập quyền kiểm soát vững chắc các mỏ dầu đã đưa vào khai thác, cũng như các mỏ dầu có triển vọng tại Iran và Mesopotamia (khu vực nằm giữa hai con sông
Tigris – Euphrates, hiện chủ yếu thuộc về Iraq, một vài phần còn lại thuộc về Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran).
Cũng vì mục tiêu xác lập quyền thống trị của mình tại Trung Đông, người Anh ngay từ trước Chiến tranh thế giới thứ nhất đã không ít lần giật dây cho những bộ lạc người Arập nổi dậy chống lại đế chế Osman, cũng như xúi giục họ chém giết lẫn nhau. Tại các quốc gia nằm ở phía đông, nước Anh còn xây dựng một mạng lưới tình báo rộng lớn, một trong những nhiệm vụ chính của nó là phục vụ cho các quyền lợi về dầu mỏ của Anh trong khu vực.
Chiến dịch “AJAX”
“Viên ngọc dầu mỏ” của đế chế Anh chính là xứ sở giàu vàng đen Iran. Cũng vì chính sách của Anh tại Iran chỉ tận lực khai thác mà không nhằm cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân (tiền trích lại cho Chính phủ Iran từ việc bán dầu thường rất ít ỏi), làn sóng bất bình của người dân Iran đối với chính phủ ngày càng lan rộng, đã có một nhân vật mới lên nắm chiếc ghế thủ tướng từ năm 1949 là Mohammad Mosaddegh.
Ngay từ khi lên nắm quyền, Mosaddegh đã xác định nhiệm vụ cơ bản của mình là phải đặt ngành công nghiệp khai thác dầu dưới sự kiểm soát của Chính phủ Iran. Tháng 3/1951, Mosaddegh đưa ra sáng kiến về một dự thảo luật nhằm quốc hữu hóa các mỏ dầu. Bằng hành động giành quyền kiểm soát khai thác dầu của Công ty Dầu mỏ Anh-Iran (về sau trở thành Tập đoàn Dầu mỏ BP – British Petroleum), Mosaddegh đã dám cả gan đối đầu trực tiếp với Chính phủ Anh, khi đó đang nắm số cổ phần kiểm soát công ty này. Tòa án quốc tế và Liên Hiệp Quốc cũng đứng về phía Mosaddegh, thừa nhận quyết định trên của Chính phủ Iran là hợp pháp.

Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I) Mossadegh1ds
Mohammad Mosaddegh bị lật đổ và bắt giữ chỉ vì dám quốc hữu hóa các mỏ dầu của Anh


Không thể đạt được thỏa thuận có lợi với Mosaddegh, người Anh quyết định phải lật đổ vị thủ tướng cứng đầu này. Kế hoạch về một chiến dịch nhằm loại bỏ Thủ tướng Iran đã được mật vụ Anh bắt tay vào soạn thảo từ năm 1951. London hiểu rằng, một hành động từ chức đơn giản của Mosaddegh (đang có uy tín rất cao trong dân chúng) rõ ràng là không thể đủ. Cần phải làm mất uy tín của ông này trong con mắt những người dân thường tại Iran. Lượng sức mình không có khả năng làm điều này, giới lãnh đạo Anh đã quyết định viện đến sự giúp đỡ của chính quyền Mỹ. Trong trường hợp thành công, London hứa hẹn với đồng minh bên kia bờ đại dương về một tỉ lệ đáng kể trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran.
Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower rất nhanh chóng đạt được thỏa thuận với người Anh. Vào thời điểm đó, Mỹ cũng vừa thất bại trong đàm phán với Chính phủ Iran, không thể tự mình thỏa thuận với Thủ tướng Iran về vấn đề khai thác dầu của mình tại quốc gia này. Chính vì vậy, Chính phủ Mỹ cũng rất quyết tâm trả thù tay thủ tướng bướng bỉnh của Iran. Người Mỹ vội vàng lên kế hoạch lật đổ Mosaddegh với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Ngoại trưởng John Foster Dulles và người em ruột Allen Dulles trong vai trò Giám đốc CIA.
Dù kế hoạch cuối cùng nhằm lật đổ Mosaddegh chỉ được các chính phủ Anh và Mỹ thông qua vào tháng 6/1953, nhưng những bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa nó đã được triển khai từ trước đó. Chiến dịch có mật danh “Ajax” này được giao cho tay sĩ quan CIA Kermit Roosevelt, là cháu trai của Tổng thống Theodor Roosevelt. Theo dự tính của London và Washington, người đảm nhiệm chiếc ghế thủ tướng mới của Iran sẽ là viên tướng Fazlollah Zahedi, kẻ thù chính trị từ lâu nay của Mosaddegh.
Có một chi tiết lý thú là chính viên tướng Iran này vào năm 1943 đã từng bị người Anh bắt giữ vì tội hợp tác với những phần tử phát xít, trước khi đày ông này tới Palestine trong 3 năm. Một nhiệm vụ quan trọng nữa trong chiến dịch “Ajax” là phải “đạo diễn trước” ý kiến của công luận cho cuộc đảo chính sắp tới. Nhiệm vụ này thật ra không phải là quá phức tạp. Kermit Roosevelt cùng các trợ lý của mình (tới Iran từ tháng 6/1953) đã tổ chức một loạt những cuộc gặp gỡ với các nghị sĩ, giới lãnh đạo tinh thần, quan chức quân sự, phóng viên, các nhà hoạt động xã hội v.v… hào phóng tung ra những khoản tiền hối lộ lớn cho những người cần thiết. Người Mỹ không hề tiếc tiền cho chiến dịch này – CIA được cấp tới hơn một triệu USD, một khoản tiền có giá trị khá lớn vào thời điểm đó.
Khi bộ máy tuyên truyền được Anh và Mỹ gây dựng tại Iran đã hoạt động hết công suất, Mosaddegh bắt đầu bị cáo buộc một loạt những tội danh tày trời: tham nhũng, có các quan điểm chống đạo hồi, chống chế độ quân chủ, thậm chí hợp tác với đảng cộng sản Iran (một điều chắc chắn không hề có do Mosaddegh được giáo dục thuần túy theo các quan điểm phương Tây tại Pháp và Thụy Sĩ).
Tại các thành phố của Iran bắt đầu diễn ra những cuộc tuần hành chống chính phủ, những người tham gia đều được Mỹ hào phóng trả tiền thù lao. Dần dần, những cuộc “tuần hành hòa bình” đã biến thành những cuộc xung đột với phe ủng hộ Mosaddegh và tất nhiên xảy ra cả đổ máu. Ngoài ra, CIA và MI-6 còn thuê một số phần tử giả dạng người của đảng cộng sản tổ chức một số vụ tàn sát tại thành phố khiến phần lớn người dân đều nổi giận. Trên đường phố và cả đài phát thanh bắt đầu xuất hiện nhiều lời kêu gọi Mosaddegh phải từ chức, người lúc này cũng đã “ngấm đòn” từ những áp lực về thông tin và tâm lý trên.
Mosaddegh dù sao vẫn từ chối việc điều quân đội trấn áp những kẻ gây rối loạn, do không muốn đưa đất nước vào cảnh nội chiến. Nhưng đến lúc này, bất cứ một điều nhỏ nhặt nhất cũng trở thành cái cớ để bắt đầu cuộc đảo chính. Các binh sĩ Iran bị mua chuộc đã dùng xe tăng tấn công vào nhà của Mosaddegh làm gần 300 người thiệt mạng. Bị bắt và giam giữ ngay tại nhà, Mosaddegh sống lay lắt rồi qua đời vào năm 1967.
Liên quan đến vấn đề “chiến lợi phẩm dầu mỏ” (cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính tại Iran), chính quyền mới của Iran vào năm 1954 đã ký kết với Tập đoàn Dầu mỏ Quốc tế một thỏa thuận, cho phép tập đoàn này có quyền khai thác và chế biến dầu của Iran trong vòng 25 năm với khả năng được gia hạn thêm về thời gian. Theo đó, có 40% cổ phần của tập đoàn được chia đều cho 5 công ty dầu mỏ Mỹ (Chevron, Exxon, Gulf, Mobil và Texaco), 14% dành cho công ty liên doanh Anh – Hà Lan Royal Dutch Shell, 6% thuộc về Hãng Compagnie Francaise des Petroles của Pháp. British Petroleum vẫn giữ tỉ lệ lớn nhất 40% cho riêng mình. Ngoài ra, công ty này còn nhận được khoản “tiền đền bù 25 triệu bảng” từ Chính phủ Iran vì những tổn thất đã phải hứng chịu do chính sách quốc hữu hóa của Mosaddegh.

Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I) Englandsuez_crisisds
Mohammad Mosaddegh bị lật đổ và bắt giữ chỉ vì dám quốc hữu hóa các mỏ dầu của Anh


Cuộc chiến giành kênh đào Suez
Đến giữa thế kỷ XX, kênh đào Suez đã nổi lên với một ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan đến việc cung cấp dầu từ các nước vùng vịnh Pecxich tới Tây Âu. Có tới 2/3 số hàng hóa vận chuyển qua kênh Suez là dầu mỏ, 2/3 lượng dầu mỏ tiêu thụ tại châu Âu cũng được chuyển tải qua đường này. Điều hành con kênh này là Suez Canal Company, một công ty do Chính phủ Anh nắm giữ số cổ phần chính. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi phần lớn thu nhập từ con kênh này đều rơi vào túi của người Anh.
Nếu như Ai Cập có thể nắm quyền kiểm soát toàn bộ con kênh này, ngân sách của quốc gia nghèo khó này sẽ được bổ sung những khoản tiền đáng kể. Đó là lý do việc quốc hữu hóa kênh đào Suez đã trở thành nhiệm vụ chính của Tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser. Ông Nasser lý giải rằng, nếu như các quốc gia khai thác dầu nhận được 50% lợi nhuận từ dầu mỏ của mình, thì tại sao Ai Cập lại không thể nhận được 50% lợi nhuận từ kênh đào Suez? Thủ lĩnh Ai Cập khi đàm phán với các chính trị gia Anh đã nhấn mạnh, Ai Cập cần phải có những điều kiện tương tự như các nhà sản xuất dầu, tức là nhận được 50% lợi nhuận từ tiền thu phí qua kênh Suez.
“Ai nắm được dầu mỏ, người đó sẽ cai trị thế giới” (Câu nói nổi tiếng của đô đốc người Anh, John Fisher, từ đầu thế kỷ XX)
Tuy nhiên, phía Anh đã cố tình làm lơ, không xem xét lại thỏa thuận đã ký sẽ hết hạn vào năm 1968. Theo như Ngoại trưởng Anh Selwyn Lloyd tuyên bố vào năm 1956, “con kênh đang là một bộ phận không thể tách rời của toàn bộ tổ hợp dầu mỏ Trung Đông, đang có ý nghĩa sống còn đối với Anh”. Trong khi Nasser lại tính toán rằng, tiền thuế sử dụng kênh Suez có thể được sử dụng để cung cấp tài chính cho việc xây dựng con đập Aswan, có ý nghĩa quan trọng đến việc phát triển kinh tế của Ai Cập. Theo lệnh của Nasser, quân đội nước này đã kiểm soát toàn bộ kênh đào Suez.
Người Anh tỏ ra rất kiên quyết phải trừng phạt Nasser vì hành vi ngang ngược này. Họ đã tìm được đồng minh của mình tại Pháp, nơi cũng coi thủ lĩnh Ai Cập như một mối đe dọa đối với các vị thế của mình tại Bắc Phi. Tất nhiên đối với Anh, “thói hiếu chiến” của họ chỉ có thể giải thích duy nhất bằng một từ – đó là “dầu mỏ”. Các mỏ dầu do Anh sở hữu tại Trung Đông chiếm phần lớn trong các khoản thu nhập của quốc gia này tại nước ngoài. Việc đánh mất nó tất nhiên trở thành đòn đau không thể phục hồi giáng vào kinh tế của Anh.
Trong khi vàng và nguồn dự trữ đôla của Anh chỉ có thể đủ để chi trả cho 3 tháng nhập khẩu dầu. Bức tranh đáng ngại về nguy cơ trên đã được Thứ trưởng Ngoại giao Ivone Kirkpaterick mô tả đặc biệt rõ ràng: “Nếu chúng ta chỉ biết ngồi buông tay, Nasser sẽ củng cố được vị thế của mình, dần dần nắm quyền kiểm soát các quốc gia có dầu mỏ, dẫn tới có thể tiêu diệt chúng ta. Nếu như nguồn dầu mỏ Trung Đông không được cung cấp cho chúng ta chỉ trong từ 1 đến 2 năm, nguồn dự trữ vàng của chúng ta sẽ cạn sạch. Khi nguồn dự trữ vàng biến mất, vùng ảnh hưởng của đồng bảng Anh sẽ sụp đổ. Nếu vùng ảnh hưởng của đồng bảng sụp đổ và mọi nguồn dự trữ không còn, chúng ta sẽ không thể duy trì sự hiện diện của mình tại Đức hay bất kỳ một nơi nào khác. Tôi nghi ngờ rằng, chúng ta còn khó có thể đủ tiền chi trả cho khả năng phòng vệ tối thiểu của mình. Và một quốc gia khi không thể bảo vệ mình sẽ bị xóa sổ”.
Ngày 24/10/1956, các quan chức đại diện ngoại giao và quân sự cao cấp nhất của Anh và Pháp (kể cả các bộ trưởng ngoại giao) đã có cuộc gặp bí mật tại một biệt thự gần Paris. Tất cả đi đến kết luận, mục đích cuối cùng của chiến dịch tấn công Ai Cập là xây dựng một căn cứ quân sự ngay tại khu vực kênh đào, nếu như có thể sẽ lật đổ luôn Nasser. Ngày 31/10, người Anh bắt đầu ném bom các sân bay của Ai Cập. Tuy nhiên, đến ngày 6/11, dưới áp lực của Liên Xô (quốc gia tuyên bố sẵn sàng triển khai các biện pháp trả đũa chống lại Anh và Pháp) và cả Mỹ (vốn không muốn gây bất hòa với các nhà cung cấp dầu mỏ cho mình trong thế giới Arập chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ của các đồng minh Tây Âu), Anh và Pháp đã buộc phải đình chiến, sau đó rút hết quân đội của mình ra khỏi khu vực xung đột.
Trong thời gian chiến tranh Trung Đông năm 1973, Anh và Mỹ cũng từng bàn bạc về khả năng “tiện thể” xâm nhập vào Arập Xêút và Kuwait để giành quyền kiểm soát các mỏ dầu, cũng như soạn thảo các kế hoạch lật đổ nguyên thủ một loạt các quốc gia Arập, thay thế họ bằng những nhân vật “chấp nhận được hơn”. Đó là thông tin được hãng BBC tiết lộ, sau khi nghiên cứu và công bố một loạt các tài liệu lưu trữ của chính phủ Anh vào tháng giêng năm 2004.
(Xem tiếp kỳ sau)
Hồng Sơn
Về Đầu Trang Go down
mr.taxi
Thành viên nhóm tin tức
Thành viên nhóm tin tức
mr.taxi


Tổng số bài gửi : 47
Điểm số : 10049
Ngày tham gia : 08/08/2011

Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I) Empty
Bài gửiTiêu đề: Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ II)   Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I) Empty10/12/2011, 9:34 am

Câu hỏi chính được đặt ra: Vì sao người Anh lại cần đến cuộc chiến chống Gaddafi? Câu trả lời cũng rất đơn giản: An ninh năng lượng của Anh đang có nguy cơ bị đe dọa. Các mỏ dầu của họ tại biển Bắc đang cạn kiệt nhanh chóng.

Những quyết định tại Downing Street
Greg Muttitt, tác giả cuốn sách “Fuel on Fire”, là người đã khai thác được hàng ngàn tài liệu mật của Chính phủ Anh dựa trên luật tự do thông tin. Những tài liệu này là minh chứng rõ ràng cho thấy, Chính phủ Anh đã bí mật thỏa thuận với các công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới về những triển vọng khai thác dầu tại Iraq ngay từ năm 2002, tức gần một năm trước khi liên quân Anh – Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq.
Nội dung một loạt biên bản những cuộc gặp giữa các bộ trưởng Anh với giới chức lãnh đạo hàng đầu các công ty dầu mỏ cho thấy chúng hoàn toàn trái ngược với những quả quyết của đại diện các công ty dầu mỏ Anh cũng như Chính phủ Tony Blair về việc họ “chẳng có bất cứ quyền lợi cá nhân nào trong chuyện chiếm đóng Iraq”. Chẳng hạn như vào ngày 6/2/2003, Blair đã to mồm thanh minh: “Giả thuyết về âm mưu giành nguồn lợi dầu mỏ là một trong những điều vô lý nhất nếu như phân tích một cách toàn diện. Thực tế là nếu như chúng tôi lo ngại về vấn đề dầu mỏ của Iraq, tôi nghĩ hoàn toàn có thể thỏa thuận với Saddam về vấn đề này ngay hôm sau. Vấn đề ở đây không phải là dầu mỏ mà là vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I) 0915-cameron-sarkozy-libya_full_600
Những người chiến thắng trong cuộc chiến Libya đều đã có phần của mình: Thủ lĩnh NTC Mustafa Abdul-Jalil (giữa) giành được chính quyền; Sarkozy (trái) và Cameron (phải) được quyền kiểm soát nhiều mỏ dầu tại đây

Nhưng các tài liệu đề mốc thời gian tháng 10 và 11/2002 lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Theo tờ The Independent của Anh số ra tháng 4/2011, 5 tháng trước khi Anh tấn công Iraq, “nam tước phu nhân Simons, từng là Bộ trưởng Ngoại thương, đã kể với BP rằng theo ý kiến của Chính phủ Anh, các công ty năng lượng của Anh cần phải nhận được một phần các mỏ dầu trữ lượng lớn tại Iraq dưới dạng phần thưởng cho quyết tâm của Tony Blair sẵn sàng ủng hộ cho các kế hoạch của Mỹ nhằm thay đổi chế độ tại quốc gia này bằng hành động quân sự”.
Những tài liệu được công bố cũng cho thấy, Bộ trưởng Ngoại thương và đầu tư Simons đã đồng ý vận động hành lang cho quyền lợi của British Petroleum trong chính quyền Bush-con, do tập đoàn này lo ngại “bị ra rìa trong việc phân chia các mỏ dầu tại Iraq sau chiến tranh”. Biên bản cuộc gặp vào ngày 31/10/2002 giữa các thành viên Chính phủ Anh với các công ty năng lượng hàng đầu của nước này (BP, Shell, British Gas) viết: “Nam tước phu nhân Simons đồng ý rằng, khó có thể chấp nhận chuyện các công ty của Anh không nhận được gì tại Iraq, sau khi Anh đã ủng hộ Chính phủ Mỹ vô điều kiện trong suốt thời gian cuộc khủng hoảng”. Nữ bộ trưởng này còn hứa hẹn “sẽ thông báo cho các công ty trước lễ giáng sinh” về kết quả các nỗ lực vận động hành lang của mình.
Chỉ một tuần sau, ngày 6/11/2002, Bộ Ngoại giao Anh đã mời các đại diện của BP tới để bàn bạc về các khả năng tại Iraq “sau khi thay đổi chế độ”. Trong biên bản có ghi rõ: “Iraq có những triển vọng dầu mỏ lớn. BP đang cố gắng một cách tuyệt vọng để xâm nhập vào đây, nhưng lo ngại các vấn đề chính trị sẽ ngăn cản họ đạt được mục tiêu này”. Ngay sau một trong những cuộc gặp như vậy trong tháng 10/2002, Giám đốc ban Trung Đông của Bộ Ngoại giao Anh là Edward Chaplin đã tuyên bố: “Shell và BP không thể cho phép mình không nhận được phần nào tại Iraq, do tương lai dài hạn của họ phụ thuộc vào điều này. Chúng tôi luôn phấn đấu để các công ty Anh sẽ nhận được phần chia công bằng tại Iraq thời hậu Saddam”. Tất cả những dữ kiện trên đều cho thấy một kết luận duy nhất: Quyết định thay đổi chế độ tại Iraq đã được Downing Street thông qua ngay từ cuối năm 2002.
BP bề ngoài vẫn quả quyết với công luận quốc tế rằng, công ty này “chẳng có bất cứ quyền lợi chiến lược nào” tại Iraq. Như người đứng đầu BP khi đó là huân tước Brown đã nhấn mạnh vào ngày 12/3/2003: “Cả tôi cũng như BP đều không cho rằng, đây là cuộc chiến tranh vì dầu mỏ. Iraq là nhà sản xuất quan trọng, nhưng họ phải tự mình giải quyết chuyện tài sản và dầu mỏ của mình”. Nhưng cũng chính nhân vật này trong những cuộc trò chuyện riêng tư với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định, vấn đề Iraq “quan trọng hơn bất cứ điều gì mà chúng tôi đã phải đương đầu trong một thời gian dài trước đây”.
Vấn đề là British Petroleum và Mỹ đều lo ngại rằng, Saddam Hussein sẽ gia hạn thỏa thuận với Hãng dầu mỏ Total Final Elf của Pháp. Việc gia hạn hợp đồng sẽ biến công ty này của Pháp trở thành tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới (nếu tính tới việc Iraq đang nắm giữ vị trí thứ hai sau Arập Xêút về trữ lượng dầu mỏ).
Những gì đã diễn ra sau khi chế độ của Saddam Hussein sụp đổ là những minh chứng rõ ràng nhất. Các hợp đồng với thời hạn 20 năm được ký kết sau chiến dịch quân sự tại Iraq đều được xếp vào loại lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp dầu khí. Tất cả liên quan đến số phận của khoảng 1/2 trữ lượng dầu mỏ của Iraq (khoảng 60 tỉ thùng), một phần lớn trong số này được dành cho British Petroleum. Thời gian gần đây, người Anh chắc chắn đang “thu đậm” với việc Iraq tăng sản lượng khai thác dầu lên mức cao nhất trong 10 năm qua, đạt ngưỡng 2,7 triệu thùng mỗi ngày để bù đắp cho sản lượng xuất khẩu thiếu hụt của Libya. Mục tiêu đảm bảo nguồn cung dầu mỏ giá rẻ của Washington và London đã hoàn tất.
Libya – mục tiêu của “học thuyết dầu mỏ” của London
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự can thiệp của NATO vào Libya vẫn không có gì khác ngoài những trữ lượng dầu mỏ lớn đã được xác nhận – khoảng 44,3 tỉ thùng kèm theo những vỉa khí đốt thiên nhiên 1,6 ngàn tỉ mét khối tại quốc gia này. Trước chiến tranh, Libya mỗi ngày khai thác từ 1,5 đến 1,6 triệu thùng dầu, bằng 6% sản lượng khai thác chung của OPEC. Dầu nguyên liệu của Libya được xếp vào loại hàng đầu về chất lượng, chưa kể các mỏ đều nằm gần các nhà máy lọc dầu của châu Âu.
Còn có những đánh giá cho rằng, trữ lượng dầu của Libya trên thực tế phải tới 100 tỉ thùng. Theo như khẳng định từ năm 2007 của trưởng đại diện công ty Pháp Total tại Libya là Philippe Maljaque, “Libya hiện giờ là một trong không nhiều nước có lãnh thổ rộng lớn nhưng lại chưa triển khai toàn diện việc thăm dò dầu khí”. Ý kiến tương tự về nguồn tài nguyên của Libya có thể đọc được trong những công văn ngoại giao được WikiLeaks tiết lộ. Như trong một bức điện đề tháng 9/2009, người đứng đầu Hãng dầu mỏ Quốc gia Libya khi đó (NOC – National Oil Corporation) là Ali Sugheir đã tuyên bố với các đại diện của Đại sứ quán Mỹ rằng, Libya đã phát hiện ra “những bể kết tủa lớn dầu mỏ và khí đốt”, rằng các dữ liệu thăm dò địa chấn cho thấy còn có nhiều mỏ như vậy trên khắp đất nước.

Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I) Tony-Blair-Iraq-Inquiry-2010
Vì nguồn lợi dầu mỏ, Tony Blair đã phải ra điều trần trước Ủy ban độc lập điều tra nguyên nhân cuộc chiến Iraq

Những thông tin hấp dẫn trên đối với các công ty dầu mỏ quốc tế chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế đối với Libya. Tuy nhiên, tất cả đều đã vỡ mộng với hy vọng sẽ nhận được những khoản siêu lợi nhuận tại Libya, tất cả là do chính quyền Gaddafi vẫn thể hiện tinh thần của “chủ nghĩa dân tộc liên quan đến các nguồn tài nguyên”. Các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt đang hoạt động tại Libya đã buộc phải ký kết lại hợp đồng của mình với Chính phủ Libya dựa theo bản chỉnh sửa mới nhất của Thỏa ước thăm dò và phân chia sản phẩm (EPSA IV). Các công ty cỡ lớn tại Bắc Mỹ và châu Âu trong giai đoạn 2007-2008 đã phải ký những thỏa thuận mới kém hấp dẫn hơn với NOC. Đó là chưa kể họ phải trả cho Chính phủ Libya khoản tiền tổng cộng 5,4 tỉ USD dưới dạng “tiền ứng trước”.
Trong một công văn gửi tháng 6/2008, giới chức ngoại giao Mỹ tiếp tục đưa ra một vấn đề được đánh giá là đáng lo ngại: Liệu chính quyền Gaddafi có tuân thủ điều kiện từ các hợp đồng mới hay họ lại tìm cách “tăng thêm tỉ lệ phân chia của mình?”. Các quan chức ngoại giao Mỹ trong công văn vẫn thừa nhận, “các công ty dầu mỏ dù sao vẫn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ mỗi thùng dầu khai thác được”. Tuy nhiên theo họ, nguy cơ bắt buộc phải ký kết lại hợp đồng tại Libya vừa qua đã tạo ra “một tiền lệ quốc tế nguy hiểm có thể lặp lại tại các quốc gia sản xuất dầu khác trên khắp thế giới”.
Tháng giêng năm 2009, trong một hội nghị truyền hình với sinh viên đại học Georgetown (Mỹ), Gaddafi đã chẳng e ngại đe dọa sẽ quốc hữu hóa toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, một thông tin đã khiến các chính trị gia phương Tây phải lo ngại thực sự. Vào thời điểm quyết định gỡ bỏ cấm vận Libya, phương Tây không ngờ rằng, giới lãnh đạo quốc gia Bắc Phi này đã lợi dụng tình hình để phát triển quan hệ làm ăn với các nước từ phương Đông. Một công văn trong tháng 6/2008 đã chỉ ra “sự bùng phát mối quan tâm đối với Libya từ phía các công ty dầu mỏ quốc tế không phải của phương Tây (cụ thể từ Ấn Độ, Nhật, Nga và Trung Quốc), gần đây đã nhận được một số lượng lớn các hợp đồng từ NOC”.
Những “tay chơi mới” này hoàn toàn có thể tạo ra một cuộc đua cạnh tranh thực sự với những gã khổng lồ về dầu mỏ của Mỹ và châu Âu. Ngay từ đầu năm 2011 đã ghi nhận việc triển khai dự án tuyến đường ống dẫn dầu Sudan – Libya – một tuyến ống dẫn xuyên châu Phi đầu tiên không thuộc quyền kiểm soát của phương Tây. Tuyến đường ống này dự kiến sẽ kết nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, thông qua lộ trình Port Sudan – Khartum – Fezzan – Bengazi. Đường ống này nếu đi vào hoạt động sẽ làm tăng cường sức mạnh liên minh Libya – Sudan, đang có xu hướng xích lại gần các quốc gia như Iran và Trung Quốc. Một số chuyên gia còn cho rằng, liên minh trên còn có thể lôi kéo Ai Cập xa rời phương Tây để gia nhập vào quỹ đạo của mình.
Với tất cả những lý do trên, chẳng có gì ngạc nhiên khi tờ Expression của Algeri khẳng định rằng, chiến dịch quân sự chống lại Libya của Anh và Pháp đã được lập kế hoạch từ khá lâu so với thời điểm bắt đầu. Theo dữ liệu của tờ báo này, Anh và Pháp ngay từ tháng 12/2010 đã bắt đầu chuẩn bị cho một loạt những kế hoạch diễn tập chung với mật danh “Nam Mistral”, dự định triển khai trong giai đoạn từ 21 đến 25/3/2011. Theo chủ định của kế hoạch này, các đồng minh cần phải tấn công một quốc gia nào đó được mệnh danh là “Vùng đất phương Nam” tại khu vực Địa Trung Hải, nơi đang có “một chế độ độc tài” lãnh đạo. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ Anh – Pháp trong kế hoạch này được coi là hành động đầu tiên của trục đồng minh London – Paris mới hình thành cách đây không lâu, sau khi cả hai nước vào năm ngoái cùng đặt bút ký một thỏa thuận về việc thành lập một lực lượng hạt nhân chung của liên minh châu Âu.
Chính phủ Anh là người đi đầu trong việc khởi động cuộc chiến Libya. Đến cuối tháng 2/2011, London đã chính thức tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào Libya chỉ bằng lực lượng của mình. Theo Sky News, Chính phủ Anh từ ngày 2/3/2011 đã quyết định chuyển các máy bay Typhoon của không quân sang căn cứ quân sự của mình tại đảo Síp, chuẩn bị cho việc phong tỏa không phận Libya. Phát biểu trước hạ viện, Thủ tướng David Cameron tuyên bố đã ra lệnh cho tham mưu trưởng quân đội, tướng David Richards “soạn thảo kế hoạch thiết lập vùng cấm bay trên không phận Libya”.
Cũng trong thời gian này (đầu tháng 3/2011), tờ The Guardian nhận xét, “chính quyền Obama không hề mặn mà với đề xuất triển khai vùng cấm bay tại Libya, gọi đó là vấn đề khó khăn xét từ quan điểm quân sự và không thuận lợi từ quan điểm ngoại giao. Sự thiếu nhiệt tình của Washington hoàn toàn trái ngược với quan điểm của London cùng với những lời kêu gọi trực tiếp sử dụng vũ lực của David Cameron”.
Hiểu rõ đơn phương đánh Gaddafi sẽ rất bất tiện về mặt chính trị, London đã khôn khéo lùi lại phía sau trong vai trò thúc đẩy Nicolas Sarkozy. Anh đã hứa hẹn với Pháp rất nhiều, trước tiên là việc phân chia thị trường dầu mỏ của Libya theo hướng có lợi cho cả hai nước. Cần nói thêm là vào thời điểm này, Paris đã bắt đầu “nóng mặt” với Gaddafi: Tập đoàn Dầu mỏ Total của Pháp trước đó không lâu đã phải đứt ruột chi trả 500 triệu USD tiền bồi thường theo yêu cầu của nguyên thủ Libya. Ngoài ra, Total cũng bị ép thất bại trước khá nhiều nhà thầu Libya khác trong các dự án liên doanh khai thác dầu. Tóm lại, lòng tự hào của người Pháp đã bị tổn thương, đủ để họ quyết tâm trừng trị Gaddafi.
Tờ Liberation của Pháp số ra ngày 1/9/2011 cho biết, Paris ngay từ tháng 4 đã có được lời hứa hẹn của Hội đồng chuyển tiếp dân tộc Libya (NTC) trao cho Pháp quyền kiểm soát 35% số mỏ dầu của Libya để đổi lấy sự ủng hộ toàn diện và vô điều kiện của nước này.
Câu hỏi chính được đặt ra: Vì sao người Anh lại cần đến cuộc chiến chống Gaddafi? Câu trả lời cũng rất đơn giản: An ninh năng lượng của Anh đang có nguy cơ bị đe dọa. Các mỏ dầu của họ tại biển Bắc đang cạn kiệt nhanh chóng. Anh cũng đang phải nhập khẩu tới 40% lượng khí đốt và trong tương lai không xa sẽ phải nhập khẩu toàn bộ. Các mỏ than của Anh về cơ bản cũng đã hết từ thời Margaret Thatcher. Chính vì vậy, người Anh đã đặc biệt lo sợ khi biết được quyết định của Gaddafi giảm bớt tỉ lệ tham gia của các công ty nước ngoài vào các mỏ dầu Libya từ 50 xuống còn 20%.
Giọt nước tràn ly sự chịu đựng của London chính là việc Tripoli bắt tay vào đàm phán về khả năng thành lập một tổ chức tương tự như OPEC trong lĩnh vực khí đốt. Người Anh còn tỏ ra “thèm thuồng” hơn khi chứng kiến những khoản tiền khổng lồ từ việc bán dầu được Gaddafi liên tục chuyển vào các ngân hàng phương Tây. Theo thừa nhận của cựu Bộ trưởng Năng lượng Libya, chế độ Gaddafi đã chuyển ra nước ngoài số ngoại tệ từ 200 đến 250 tỉ USD (riêng tại Mỹ là 34 tỉ USD). Sau khi chiến tranh kết thúc, NTC chỉ được phương Tây “giải ngân” từ 10-15 tỉ USD để khôi phục lại hoạt động của các mỏ dầu. Chẳng ai được biết số tiền của Gaddafi còn lại ở nước ngoài giờ đang ở đâu. Có lẽ chúng sẽ nằm lại vĩnh viễn tại các ngân hàng của châu Âu và Mỹ.
Thời thế vẫn liên tục thay đổi, nhưng phương pháp lật đổ các nguyên thủ nước ngoài vì nguồn lợi dầu mỏ vẫn là “truyền thống” của người Anh: Gaddafi đã bị lật đổ tương tự như số phận của Mosaddegh 50 năm trước; còn việc người Anh tràn vào Iraq năm 2003 chỉ là sự lặp lại với kết thúc thành công hơn kịch bản tại Ai Cập cách đó nửa thế kỷ.
Hồng Sơn
Về Đầu Trang Go down
 
Những cuộc chiến vì dầu mỏ của xứ sở sương mù (Kỳ I)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» 2NE1 khiến fan bật khóc vì vui sướng
» Cuộc thi ảnh của National Geographic năm 2011
» Chiến thuật trong DotA
» Biển Đông và nước cờ chiến lược của các bên
» Những lỗi hay gặp trên Mainboard

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
..:: DẦU KHÍ FAMILY - HUMG ::.. :: TIN TỨC :: Thế giới-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất